Đại biểu HĐND tỉnh phản ánh nhiều vấn đề bất cập ở miền núi
(Baonghean.vn) - Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề “nóng” ở những huyện miền núi, đó là: Công tác phát triển cán bộ; việc giao đất, giao rừng; các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, hạ tầng điện lưới không đảm bảo; chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, thiết chế văn hóa - thể thao...
11/12/2020 - 19:10
Tham gia phiên thảo luận tổ 6 có đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Chung
Chiều 11/12, kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 bước vào phiên thảo luận tổ. Tổ 6 có sự tham gia của các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Quỳ Châu, Quế Phong và Quỳ Hợp. Các đại biểu khách mời gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bí thư Huyện ủy, đại diện thường trực HĐND, Chủ tịch UBND các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong.
Đại biểu Lang Văn Chiến - Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Châu, Tổ trưởng tổ 6 điều hành phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung phân tích các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2021 gắn với định hướng, nhiệm vụ giải pháp thực hiện; Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nội dung 25 dự thảo nghị quyết trình kỳ họp... Các đại biểu cũng đã nêu lên những vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm, phản ánh.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân cho rằng: Việc thu hồi đất các dự án trồng rừng chậm tiến độ, để đất hoang hóa chưa có chuyển biến. Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu ý kiến: Thời gian qua, việc giao đất, giao rừng sản xuất cho người dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thu hồi đất các dự án trồng rừng chậm tiến độ, để đất hoang hóa giao lại cho địa phương, người dân thực hiện rất chậm, chưa có sự chuyển biến. Đây chính là một sự lãng phí.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị: Kỳ họp HĐND tỉnh lần này cần thực hiện đánh giá việc thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”. Từ sự đánh giá nhìn nhận lại để đề ra nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Kỳ họp cũng cần phân tích những nguyên nhân tồn tại khi những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong đó có miền Tây Nghệ An đang phát triển cầm chừng, xem xét trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu.
Đại biểu Lưu Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong nêu: Trên địa bàn có quy hoạch 14 nhà máy thủy điện nhưng toàn huyện vẫn còn 19 thôn, bản với 2.099 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Lưu Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong nêu ý kiến: Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Phong có quy hoạch 14 nhà máy thủy điện và đã có một số nhà máy hoạt động, một số khác đang triển khai. Dẫu vậy, qua rà soát, toàn huyện vẫn còn 19 thôn, bản với 2.099 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, hạ tầng điện lưới cũng rất bất cập khi chỉ kéo về đến khu vực trung tâm. Từ khu vực trung tâm về nhà dân thì hộ dân tự kéo với các cột tre, cột gỗ chống đỡ, mất an toàn. Hiện nay, Quế Phong rất thiệt thòi về điện lưới, đề nghị tỉnh quan tâm. Nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa đầu tư thì tỉnh sử dụng nguồn đầu tư khác giúp người dân.
Đại biểu Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đã có ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp phản ánh: Hiện nay, có những diện tích trên hồ sơ là rừng phòng hộ nhưng trên thực địa lại là rừng nghèo kiệt, đồi núi trọc. Ảnh: Thành Chung
Theo đại biểu Tùng: Cần thay đổi cơ chế khuyến khích trong xây dựng nông thôn mới. Ở những xã có quỹ đất đấu giá, việc xây nông thôn mới thuận lợi, nhanh chóng thì được thưởng. Ở những xã khó khăn, không có quỹ đất đấu giá thì không được hưởng cơ chế khuyến khích. Điều này là không công bằng đối với những xã khó khăn, huyện miền núi, cần có sự phân loại xã, huyện để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở có nêu sẽ hỗ trợ 15 công trình nhà văn hóa xã, 11 công trình sân vận động và 82 công trình nhà văn hóa khối, xóm, bản. Nếu số lượng huyện, xã, bản đăng ký vượt quá con số này thì tỉnh xem xét ưu tiên như thế nào?
Đại biểu Tùng cũng kiến nghị: Trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh cần có đánh giá thêm về thực địa. Hiện nay, có những diện tích trên hồ sơ là rừng phòng hộ nhưng trên thực địa lại là rừng nghèo kiệt, đồi núi trọc. Cần sự phân định rõ để giao những diện tích đó cho người dân trồng, bảo vệ tránh lãng phí tài nguyên, phát huy hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp nêu quan điểm: Nghệ An cần phải đa dạng sản phẩm từ kinh tế rừng. Ảnh: Thành Chung
Góp ý cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp nêu ý kiến: Năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 4,45%. Tốc độ tăng trưởng đạt thấp là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó chúng ta đã có được tiền đề thuận lợi từ năm 2019 mang lại. Năm 2021, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh 7,5 - 8,5% là quá cao bởi đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ, kinh tế khó phục hồi.
Đại biểu Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp.
Về lâu dài, tỉnh định hướng phát triển kinh tế rừng là rất đúng, tuy nhiên chúng ta vẫn đang đề ra những định hướng chung chung, chưa có những mục tiêu cụ thể. Nghệ An cần phải đa dạng sản phẩm từ kinh tế rừng, chứ không thể mãi nhìn vào sản xuất chế biến gỗ dăm. 80% lượng gỗ dăm ở Nghệ An xuất khẩu sang đảo Hải Nam (Trung Quốc), bây giờ đơn vị nhập khẩu đang có nguy cơ phải đóng cửa do ô nhiễm môi trường. Chúng ta phải có những chính sách cụ thể để người dân có thể sống được nhờ rừng. Ngoài ra, Nghệ An cũng cần có sự phối kết hợp giữa Khu Kinh tế Đông Nam với cảng Đông Hồi để phát triển hạ tầng, tạo sức cạnh tranh với các địa phương khác - đại biểu Hoài nêu rõ.
Đại biểu Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025: Dự thảo Nghị quyết quy định không hỗ trợ các thôn, bản thuộc xã đăng ký, cam kết đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này gây khó khăn cho cả xã và thôn, bản, HĐND tỉnh cần bỏ quy định này để tạo điều kiện cho thôn, bản và xã về đích nông thôn mới cùng một thời điểm.
Dự thảo Nghị quyết cũng có nêu trường hợp không đăng ký về đích nhưng hoàn thành nhiệm vụ thì khi có quyết định công nhận thì được hỗ trợ. Với trường hợp này, đề nghị cần có quy định quy đổi xi măng hỗ trợ ra tiền, vì lúc này cơ bản kết cấu hạ tầng đã hoàn thành, thôn, bản cần tiền để sử dụng vào mục đích khác.
Đại biểu Lang Văn Chiến - Chủ tịch HĐND Quỳ Châu cho rằng: Tỉnh cần có chính sách để bảo vệ rừng bền vững. Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Lang Văn Chiến - Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Châu phản ánh: Hiện nay, cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 đã kết thúc. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này. Sở dĩ có điều này là do Nhà nước chưa có nguồn kinh phí chi trả nhưng với người dân điều này là khó thể chấp nhận. Tỉnh cần có chính sách để bảo vệ rừng bền vững.
Tập đoàn Điện lực và tỉnh đã có những cam kết là đến hết năm 2020 các thôn, bản sẽ có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc kéo điện lưới triển khai rất chậm. Lâu nay vì nóng ruột, các địa phương đã tập trung huy động, sử dụng các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng kéo lưới điện. Ở Quỳ Châu, 5 năm qua có 17 dự án điện thì có tới 12 dự án sử dụng ngân sách huyện, xã. Việc tập trung nguồn lực cho điện lưới sẽ ảnh hưởng, hạn chế nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khác. UBND tỉnh cần quan tâm, có lộ trình thực hiện điều này.
Ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương giải trình về quá trình đầu tư xây dựng công trình điện lưới về các xã, thôn, bản với lộ trình hoàn thành vào năm 2020. Ảnh: Thành Chung
Tại phiên thảo luận của tổ 6, đại biểu các sở, ngành đã tiếp thu những ý kiến được nêu và giải trình khá rõ những vấn đề liên quan. Đại diện Sở Công Thương đã giải trình về việc đưa lưới điện quốc gia về tới các thôn, bản với lộ trình hoàn thành cấp điện vào năm 2022. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, giao đất giao rừng và chính sách giữ rừng. Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giải trình về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và đại diện Sở Tài chính giải trình về việc hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa./.