Sáng 8/7, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh có cuộc làm việc với Sở Nội vụ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, quản lý và sử dụng lao động; phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2017 - 2019; thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An từ năm 2017 đến nay.

bna_toancanhanhthanhle9363544_872020.jpgDự cuộc làm việc có đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo nghề

Đề cập đến chính sách đào tạo nghề, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lục Thị Liên bày tỏ băn khoăn về chế độ chính sách cho lao động vùng dân tộc thiểu số còn bất cập.

Theo bà Liên, chỉ tiêu đặt ra so với tổng số lao động qua đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn thấp. Qua giám sát tại các địa phương, đoàn giám sát của HĐND tỉnh chưa thu nhận kết quả số lượng lao động trên địa bàn.

"Điều này cho thấy, công tác quản lý lao động chưa chặt chẽ. Thực tế cho thấy, lao động đang phải đi làm ăn xa, vấn đề đặt ra là cần có định hướng đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho lao động trong giai đoạn tới" - bà Liên nói.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Liên quan đến chất lượng công tác đào tạo nghề, ông Trần Đình Toàn - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phản ánh, một số trường cơ sở vật chất như: trụ sở, khuôn viên thì tốt nhưng bên trong trang thiết bị vừa cũ kỹ, vừa lạc hậu. Đội ngũ giáo viên vừa mỏng vừa yếu, vừa thiếu, vừa tay nghề thấp. Trong thời gian tới cần phải kiện toàn mô hình trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nếu không vừa lãng phí, vừa không hiệu quả.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tất Thành - Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho rằng, thực tế công tác đào tạo nghề đang theo nhu cầu của người học chứ chưa theo nhu cầu của thị trường cần, lĩnh vực đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua khảo sát ở một số địa phương các trường, cơ sở nghề đào tạo giống nhau, không hợp lý trong thực tế, một số nghề đã lạc hậu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 trường chất lượng cao, 16 trường nghề trọng điểm, với 13 nghề cấp độ quốc tế, 9 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 36 nghề cấp độ quốc gia. Trong đó, vùng DTTS và miền núi có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tổng số nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 3.221 người. Giai đoạn 2017- 2019, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 216.407 lượt người.

 

Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lục Thị Liên phản ánh những bất cập trong thực hiện chính sách đào tạo nghề. Ảnh: Thanh Lê

Một số thành viên đoàn giám sát đề nghị các đơn vị được giám sát, làm rõ vấn đề đào tạo tiếng dân tộc ở các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp; số học sinh, sinh viên chưa có việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao; chất lượng số lượng cán bộ dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước,...

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Làm rõ những vấn đề đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Lao động, TB&XH Hồ Thị Châu Loan khẳng định, việc đào tạo nghề đã giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Hồ Thị Châu Loan giải trình làm rõ những nội dung của đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Hàng năm, ngành điều tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu của người lao động định hướng phù hợp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhu cầu thị trường để đưa ra kế hoạch phù hợp. Tuy nhiên, công tác này chưa đạt được như mong muốn, lao động được đào tạo nghề đang ở trình độ thấp.

Đối với việc sáp nhập kiện toàn bộ máy các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tinh gọn bộ máy.

Tuy nhiên, sau kiện toàn có những khó khăn, bất cập từ công tác quản lý, và hiện Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh từng bước hoàn thiện, kiện toàn, khắc phục, tháo gỡ những bất cập sau khi sáp nhập đối với loại hình này.

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục quan tâm coi trọng tham mưu về công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ đồng bào người dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước đảm bảo về tỷ lệ, chất lượng có hiệu quả.
Đối với Sở Lao động, TB&XH, cần có giải pháp tham mưu khắc phục tồn tại hạn chế, bất cập của công tác đào tạo nghề, sử dụng lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác này gắn với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội miền Tây của tỉnh, của Trung ương.
Sở cần rà soát đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở trường lớp theo xu hướng tinh gọn, tập trung đầu mối, tổ chức lại bộ máy, giáo viên đảm bảo dạy và học.
Đồng thời, coi trọng công tác quản số liệu về quản lý lao động đảm bảo thường xuyên, chặt chẽ; công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động,...