(Baonghean) - Mấy hôm nay trên mạng đưa tin về việc đề nghị dỡ bỏ các linh vật ngoại lai dựng tại các di tích văn hoá, lịch sử của Việt Nam. Mình chẳng biết mô tê gì về khoản đền đài, miếu mạo, với lại, nhìn qua thì con nào chẳng giống con nào?
 
images1033892_sutu2_huce.jpgSư tử đá tạo hình của Trung Quốc được đặt trước vườn tháp ở di tích chùa cổ Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội). Ảnh: VNE
 
- Bậy, cậu nói thế là quá bậy! Đấy là một sự xâm hại đến bản sắc văn hoá Việt Nam, không vì lý do gì ngoài thiếu hiểu biết! Anh bạn mình, một tay sành sỏi về văn hoá cổ đập bàn, đập ghế ầm ầm, mắng mình té tát. Theo anh, sự khác nhau giữa linh vật Việt Nam và linh vật Trung Quốc hay châu Âu không chỉ ở đường nét, hình dáng mà còn ở ý nghĩa linh vật. Ví dụ, sư tử, kỳ lân Trung Quốc vốn dĩ có hình dáng hung dữ vì người Trung Quốc thường dựng các linh vật này canh gác lăng mộ. Hoặc con tỳ hưu, là một con vật không có hậu môn, ý rằng chỉ có vào mà không có ra, là linh vật của giới buôn bán. Như vậy để thấy, linh vật không chỉ là một pho tượng vô tri vô giác vô nghĩa, mà là kết tinh hữu hình của những lý tưởng, giá trị văn hoá, tâm linh mà chúng ta hướng đến.
 
Hơn hết, linh vật là một bộ phận quan trọng trong hệ thống văn hoá vật thể và phi vật thể (các công trình kiến trúc và các nề nếp sinh hoạt văn hoá, tâm linh), lưu giữ lại một phần của lịch sử. Tưởng tượng trăm, nghìn năm sau, khi con cháu chúng ta khai quật, khảo cổ một ngôi chùa Việt Nam được gác bởi đôi sư tử Trung Quốc, hoặc tệ hơn là một đôi sư tử đến từ... châu Âu, sẽ là một dấu chấm hỏi lớn, một ngõ cụt trong công cuộc tìm về cội nguồn lịch sử. Tình huống xấu nhất, biết đâu các nhà khảo cổ của trăm nghìn năm sau sẽ kết luận, đây là ngôi chùa của Trung Quốc, vậy thì vì lẽ gì lại nằm trên lãnh thổ Việt Nam, từ đó dẫn đến sự hồ nghi về chủ quyền lãnh thổ. Nguy hại lắm thay!
 
Nhiều người trong chúng ta hẳn cũng ngạc nhiên trước thông tin nhiều linh vật tại các công trình văn hoá, tâm linh của chúng ta hiện nay là linh vật "đi mượn". Bởi hai lẽ, thứ nhất, có nhiều nét tương đồng trong văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung Quốc, đây là điều có thể hiểu được do vị trí địa lý kề cận, cũng như do lịch sử để lại. Thứ hai, do nhiều người chưa thực sự để tâm, có tâm khi sinh hoạt tâm linh, chỉ chạy theo những cái bên ngoài. Tượng chỉ cần to, nặng, bia chỉ cần đẹp, sang, chứ nào hiểu được tượng này là tượng gì, bia này khắc chữ gì. Như vậy, chính là biến có tâm thành vô tâm, có hồn thành vô hồn, có nghĩa thành vô nghĩa...
 
Việt Nam là Việt Nam, muốn thế giới công nhận thì trước tiên người Việt Nam phải có ý thức mạnh mẽ nhất về bản sắc của mình. Tại sao khi đi ra nước ngoài, người Việt Nam thường bị nhầm là người Thái, người Trung Quốc,... có lẽ bởi sức lan toả, sự rõ nét của văn hoá Việt mình chưa có sức nặng. Âu cũng là điều dễ hiểu khi mà chính nhận thức của người Việt về văn hoá Việt còn nhập nhèm, do thiếu hiểu biết hoặc nguy hiểm hơn, do thói sính ngoại. Chốt lại, xin đừng cõng rắn ngoại về gác gà nhà, nguy hại khôn lường!
 
Hải Triều