(Baonghean) - Mùa mưa bão đang đến, nhưng xem ra công tác phòng, chống lụt bão vẫn còn nhiều điều đáng lo. Từ ngành chuyên môn cho đến các huyện, thành, các công trình đều đã có phương án phòng, chống lụt bão. Nhưng trong số đó, có mấy phương án được trăn trở, đổi mới, rút kinh nghiệm sâu sắc, hay là sao chép y nguyên năm ngoái? Trong khi bão lụt mỗi năm một khác?
 
Các văn bản pháp lý, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão đã được kiện toàn, ban hành đầy đủ? Có những văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến các công trình hồ đập lớn như Vực Mấu chậm được sửa đổi, ban hành. Có nhiều công trình thủy lợi đang dở dang chưa có giải pháp chống đỡ. Không ít hồ đập năm ngoái xuống cấp, rò rỉ năm nay vẫn nguyên trạng, gây lo lắng cho người dân. Bên cạnh đó, những yêu cầu bức thiết của người dân vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm như kịch bản xả lũ ở hồ Vực Mấu, phương án phòng, chống lũ vùng hạ du;...
 
Tại cuộc họp UBND tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã nhắc một việc nhỏ: Riêng công điện phòng, chống lụt bão năm nào cũng giống nhau, cũng từng ấy điều, đọc lên rất phản cảm. Cần phải “làm mới” công điện, phải chỉ rõ cho dân cần làm gì chứ đừng chung chung kiểu nâng cao cảnh giác... Bão lụt thì không năm nào giống năm nào nên công điện không thể giống nhau. Bởi vậy, đã chỉ đạo là phải chỉ đạo rõ, phải sát thực tế, cụ thể”. 
 
Bão lụt gây thiệt hại nặng nề về tính mạng con người và tài sản của nhân dân, làm tụt hậu nền kinh tế. Nên đối với phòng, chống bão lụt không nên “hô hào chung chung” mà cần rút ra những bài học sâu sắc, cán bộ cần đặt mình vào vị trí người dân vùng ảnh hưởng để từ đó chỉ đạo sát thực, cụ thể, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...
 
Châu Lan