(Baonghean) - Một lần tếu táo cùng đồng nghiệp, sếp nọ vui vẻ pha trò với nhân viên: “Trong bản khai lý lịch, nghề nghiệp của mình ghi là hội họp, còn nơi thường trú thì mình ghi là hội trường”. Đúng là cũng hơi bị tếu táo, nhưng kể ra là tếu táo cũng đúng!
Tranh minh họa Họp là một hoạt động không thể thiếu với mọi tổ chức. Thật nguy hiểm nếu vì một lý do chủ quan nào đó mà chúng ta lại cố tình bỏ qua những cuộc họp. Khi mà mọi quyết định của người đứng đầu đều “phi hội họp” thì coi như đã đặt ít nhất một chân vào tiền sảnh của sự độc đoán, chuyên quyền, mà xa hơn, đáng sợ hơn là độc tài, mất dân chủ. Họp để làm gì? Họp là để nghe, để biết, để bàn, để quyết định và để triển khai thực hiện, họp là để tranh thủ trí tuệ và trách nhiệm của tập thể. Giá trị đích thực của những cuộc họp được tùy thuộc vào nội dung, mục đích, thời điểm, phương pháp và thái độ của không chỉ người chủ trì mà tất cả các thành phần tham dự cuộc họp.
Họp quan trọng, vô cùng quan trọng, bởi vậy xưa nay cái sự họp cũng được vận dụng, được tổ chức và khai thác một cách khá triệt để và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy, mọi thứ quá giới hạn đều cho kết quả không tốt, họp cũng không là ngoại lệ. Có những người quá coi trọng việc họp, họ cho rằng họp là chìa khóa vạn năng để tháo gỡ tất cả những vướng mắc, cho nên mọi thứ thượng vàng hạ cám đều nhất thiết phải thông qua họp. Có những cuộc họp, phiên họp, kỳ họp được quy định rõ ràng trong luật, trong điều lệ, hoặc hẹp hơn là quy chế, quy ước, hương ước... Tuy nhiên, bên cạnh những cuộc họp “xuân thu nhị kỳ” đều đặn theo kiểu “đến hẹn lại lên” thì thỉnh thoảng cũng có vài cuộc họp ra đời bởi sự cao hứng của một ai đó. Họp theo phong trào! Bản thân mỗi cuộc họp không có gì là xấu trừ khi người ta bất lực trong việc làm cho nó tốt lên. Có người họp để triển khai, có người họp để kiểm tra, có người họp chỉ để “phân bua”, có người họp để trình diễn thành tích, thậm chí có người họp chỉ để tranh thủ “lên lớp” cho oai... Một đồng nghiệp của tôi từng tổng kết, “Có bao nhiêu vị chủ trì thì có bấy nhiêu kiểu họp!”.
Theo lẽ thông thường thì họp là để bàn những việc cần thiết, thực sự cần thiết. Đứng trước một vấn đề nào đó, người đứng đầu phải đắn đo với những câu hỏi hoàn toàn nghiêm túc như, có nhất thiết phải tổ chức một cuộc họp không, nếu có thì thành phần tham dự đến đâu, thời gian bao lâu, nội dung, cách thức sẽ như thế nào? Biết là biết vậy, chứ thực tế thì khá nhiều thủ trưởng có thói quen ghi vào góc trái “Chuyển văn phòng, cho họp để triển khai” khi còn chưa kịp xem nội dung văn bản nói cái gì. Điều này cũng là một trong những nhân tố trong việc sinh ra ngàn trùng hội nghị vô bổ, mà như ai đó từng nói là “loạn họp”. Có cơ quan mỗi ngày cả chục cuộc họp na ná nhau mà cuộc nào cũng phải mời cho được, đợi cho được lãnh đạo đến dự để phát biểu ý kiến! Có vị thủ trưởng trong một ngày mà nhận được những 8 giấy mời, đã thế lại còn hơn một nửa trong đó không quên “gài” câu “đây là cuộc họp với rất nhiều nội dung hết sức quan trọng”.
Dự thì không xuể, chối thì không đành, chạy sô thì cũng khó coi, thôi thì có lẽ cũng phải thông cảm khi thỉnh thoảng một trong chúng ta được sếp phái đi... họp hộ! Nghe nói năm ngoái có huyện nọ, ở tỉnh nọ làm tờ trình xin bổ sung thêm một cấp phó cho đủ người... đi họp. Xung quanh các cuộc họp cũng còn nhiều chuyện không vui nhưng lại đáng bàn. Tình trạng nhờn thuốc, nhất là họp mà không có nội dung. Nói cho chính xác là có nhưng nội dung không đáng để phải họp. Đây là một thực trạng kinh niên mà người đứng đầu hoặc là quá quan liêu, hoặc là luôn trong tâm trạng sợ sai. Một số “thủ trưởng” không dám (muốn) chịu trách nhiệm cá nhân trước các quyết định của mình đành tìm cách “mượn” họp để “khóa an toàn” lối ra.
Lại có một típ người khoái họp, khoái bàn, khoái quan trọng hóa vấn đề, thành thử cái gì cũng họp, họp hết, họp cho nó hoành tráng! Nghe nói có xã nọ họp đến 2 phiên thường vụ để bàn duy nhất một nội dung là nên chọn phông trang trí đại hội màu gì! Rồi còn có vị phó chủ tịch xã trong một buổi dự hai cuộc họp mà một cuộc là ban chỉ đạo diệt rầy nâu, còn một cuộc là ban chỉ đạo diệt chuột! Ấy vậy mà vẫn phải xin phép về sớm để còn tranh thủ sang dự và “phát biểu chỉ đạo với câu lạc bộ thơ Đường!”. Đúng là họp quần quật! Hình như ở đâu đó người ta “đếm” được là để công nhận được 1“chiến sĩ thi đua” thì tối thiểu phải có đến 7 cuộc họp!
Thực trạng nữa là họp không có chất lượng. Những cuộc họp kéo dài cả buổi, thậm chí cả ngày mà phần tiếp thu của đại biểu sau khi ra về vẫn “tay trắng” không phải là quá hiếm. Điều này tất nhiên liên quan đến trách nhiệm, thái độ, và đôi khi là cả năng lực của người điều hành cuộc họp. Có lẽ chúng ta cũng đã từng hơn một lần chứng kiến, ngám ngẩm rồi tìm cách tranh thủ chơi game trước màn độc thoại lê thê của vị chủ tọa nào đó. Người nghe vẫn phải ngồi nghe, người nói vẫn phải... đứng nói, họ lặng lẽ chung nhau sự lãng phí vô tận thời gian. Có lẽ đó là những cuộc họp mà mẫu mực của nó chỉ còn là sự trang trí không hơn không kém. Thế nên dân gian vẫn lưu truyền câu rằng “phi dự họp bất thành cán bộ”.
Trong công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra khá quyết liệt ở nhiều cấp nhiều ngành thời gian gần đây, không thể không ghi nhận những nỗ lực trong câu chuyện “bớt họp” của một số đơn vị nhất là cấp tỉnh. Những “giao ban trực tuyến” hay “trung tâm một cửa” việc “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu”, việc ứng dụng công nghệ thông tin... đang góp phần thu gọn bớt sự cồng kềnh của những cuộc họp. Tất nhiên, họp là một hoạt động không thể thiếu trong quản lý xã hội. Có lẽ còn lâu khoa học mới hết bất lực trong việc tạo ra một hình thức thay thế cho hội họp. Không ai cực đoan đến mức kêu gọi tẩy chay hội họp, nhưng câu hỏi sẽ còn dai dẳng đè lên vai trách nhiệm mỗi một chúng ta là họp như thế nào cho ra họp? Đã quyết định “sống chung với họp” thì cũng đừng quên quan tâm chất lượng “người bạn đời” như thế nào. Nói như vị thủ trưởng hài hước nọ, là “đến một lúc nào đó những người chuyên “nghề hội họp” cũng nên tổ chức một cuộc họp, để bàn cho ra nhẽ cái... sự họp”?!
Nguyễn Khắc An