(Baonghean) - Ngày 21/8 vừa qua, Việt Nam và Campuchia nhất trí thiết lập đường bay thẳng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh qua không phận Campuchia (trước đó công việc này cũng đã đạt được sự thống nhất giữa Việt Nam và Lào), công việc tiếp theo chỉ là bắt tay vào nghiên cứu triển khai thực hiện.
 
Đáng nói là trong các năm 2009, 2012 vấn đề đã được đưa ra nhưng bị cho là “không tưởng”, “bất khả thi”, “thiếu cơ sở khoa học”… Sự việc này gợi ra nhiều suy nghĩ về thái độ, cách thức tiếp nhận của các cơ quan chức năng đối với những đề xuất, ý tưởng mới của các chuyên gia, các nhà chuyên môn… đang rất “có vấn đề”, dù đó là những ý tưởng, những tâm huyết nhằm thay đổi cách làm mới theo hướng ích nước, lợi dân. 
 
Còn nhớ, năm 2009, khi cựu phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất phương án “Đường bay vàng” nối Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh theo kinh tuyến 106 độ Đông dựa trên nguyên lý: Đi thẳng thì ngắn hơn đi vòng. Cựu phi công này đã tính toán, nếu thực hiện phương án bay thẳng sẽ tiết kiệm được 142 km so với đường bay vòng hiện tại (giảm 550 tỷ đồng/năm với tần suất bay lúc đó). Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải lúc đó đã bác bỏ phương án này. Bộ này còn báo cáo Thủ tướng, khẳng định phương án đường bay kể trên quá sơ sài về chuyên môn, không phù hợp về kỹ thuật, không có hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. 
 
 
Cả Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải lúc đó đều cho rằng: “Đường bay vàng” sẽ tăng nguy cơ uy hiếp an toàn bay, gây khó khăn cho việc chuyển giao của các cơ quan kiểm soát không lưu. Quan trọng hơn “Đường bay vàng” thiếu khả thi về hiệu quả kinh tế”. Mọi chuyện dừng lại ở đó, và lúc ấy người ta viện dẫn nhiều lý lẽ để khẳng định không thể thay thế đường bay hiện tại. Thậm chí có người còn cho rằng chỉ có thể thực hiện được “Đường bay vàng” bằng cách “bay trong lòng đất”. Mọi lý lẽ đưa ra đều có ý coi đề xuất của vị cựu phi công này là “không tưởng”.
 
Đến năm 2012, một ý tưởng tương đồng với ông Mai Trọng Tuấn được TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đề xuất. Vị tiến sỹ này đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải về “Đường bay vàng” Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh với lập luận đường bay hiện tại lãng phí so với “Đường bay vàng” 26 phút bay với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chí phí sản xuất. Đường bay Hà Nội - Cần Thơ cũng lãng phí 28%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí 38%... Theo đó, đường bay vòng hiện nay đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Lần này, đề xuất của ông Bá cũng không nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng. Cục Hàng không đã bác bỏ đề xuất của ông Bá với lý lẽ cho rằng các tính toán của ông Trần Đình Bá là thiếu thông tin nên chưa có cơ sở khoa học. Thậm chí, sự bác bỏ này còn được tiến hành một cách bài bản thông qua một “hội thảo khoa học” được tổ chức vào ngày 13/2/2012, có tên là “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho Hàng không quốc gia Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá”. Sau hội thảo này, người ta tiếp tục “củng cố” nhận định “không tồn tại đường bay vàng Bắc – Nam”, tiếp tục coi ý tưởng của Tiến sỹ Trần Đình Bá là “không tưởng”.
 
Tuy nhiên, một điều khá bất ngờ là tại cuộc họp với Cục Hàng không ngày 11/7/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo Cục Hàng không lập đề án nghiên cứu triển khai “Đường bay vàng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Nói là làm, bản thân vị Bộ trưởng có tiếng là táo bạo này cũng đã vào cuộc. Và đến ngày 21/8, kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Đinh La Thăng với Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh qua không phận Campuchia, việc làm này được coi như là đã gỡ được nút thắt cuối cùng để làm sống lại ý tưởng “Đường bay vàng”, đưa ý tưởng “Đường bay vàng” trở thành đường bay hiện thực. 
 
Câu hỏi đặt ra là, tại sao phương án “Đường bay vàng” mở ra cơ hội lớn cho các hãng hàng không nội địa, thì cách đây 2 năm lại bị bác bỏ, vùi dập, bị nhìn nhận với thái độ “ghẻ lạnh”? Đáng nói hơn, tại sao các hãng hàng không nội địa liên tục báo lỗ, nhưng vẫn khăng khăng giữ đường bay vòng, dù biết đường bay thẳng giúp các hãng hàng không giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu, bố trí mặt bằng sân bay; giảm thời gian phục vụ dưới mặt đất và trên trời??? Đồng thời, việc khai thác đường bay chung qua không phận Lào, Campuchia cũng là cách làm nhằm hiện thực hóa mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa 3 nước Đông Dương trên cơ sở các bên cùng có trách nhiệm và cùng có lợi, trên cơ sở đó thắt chặt trách nhiệm bảo vệ quốc phòng, an ninh giữa 3 nước Việt - Lào - Campuchia.
 
Đến đây mới vỡ lẽ ra ngành Hàng không Việt Nam lâu nay không chỉ tồn tại nhiều vấn đề về quản lý bay, để xảy ra nhiều sự cố như hạ cánh nhầm sân bay, nhân viên không lưu quên không cho máy bay hạ cánh, để các máy bay suýt đâm nhau, liên tục xảy ra tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến… mà còn có nhiều vấn đề đáng nói khác.
 
Từ câu chuyện của ngành Hàng không, người ta chợt nghĩ đến những vấn đề xã hội khác. Phải chăng, đã và đang tồn tại những cung cách làm ăn mang tính bảo thủ, trì trệ, yếu kém? Mặc dù bất cập thấy rõ, nhưng người ta vẫn muốn duy trì, không muốn thay đổi? Và, không muốn thay đổi là do tâm lý ngại thay đổi, không dám chịu trách nhiệm hay là sợ mất đi những quyền lợi đang được đảm bảo nhờ cách làm hiện tại? 
 
Một lần nữa, Bộ trưởng Đinh La Thăng lại chiếm được thiện cảm của dư luận bởi những đột phá táo bạo trong suy nghĩ và hành động. Từ “Đường bay vòng” đến “Đường bay vàng” thực sự là một câu chuyện đáng nói về tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối mặt những bất cập hiện tại để dũng cảm tìm kiếm cung cách làm ăn mới có lợi cho ngân sách nhà nước, tiết kiệm kinh phí cho nhân dân, thực sự có lợi cho toàn xã hội. 
 
Ngô Kiên