(Baonghean) - Thời bây giờ, vẫn còn không ít người vin vào câu “Trứng rồng lại nở ra rồng/Liu riu lại nở ra dòng liu riu”, nên mặc nhiên có những sự nhìn nhận, phân định, tổ chức, sắp xếp và bố trí công việc không dựa vào năng lực, trí tuệ, mà chủ yếu theo dòng giống, phả hệ, quan hệ. Ví như, tại Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), dù đã tổ chức một cuộc thi công chức với “hình thức bề ngoài” rất khách quan, công tâm, rộng cửa và bình đẳng, sòng phẳng với những ai có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Ấy vậy nhưng người trúng tuyển vẫn chỉ là nhiều cán bộ hợp đồng và cháu đương kim Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường. 
 
images1033863_a.jpgTranh minh họa
 
Nếu những người tham gia cuộc thi này thực sự xuất sắc, đủ năng lực để vượt qua kỳ thi, thì sự trúng tuyển công chức của họ là chuyện đương nhiên. Đằng này, sau khi có dư luận phản ánh có dấu hiệu lộ đề thi, cơ quan chức năng vào cuộc và đã phát hiện... đúng là có chuyện như vậy! Thế nên, vào trung tuần tháng 8 này, Bộ Công Thương đã hủy kết quả cuộc thi tuyển và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những người có trách nhiệm liên quan.
 
Nhưng thử hỏi, có phải chỉ riêng Cục Quản lý thị trường mới để xảy ra hiện tượng này? Còn nữa, khi đã phát hiện ra dấu hiệu sai phạm như nói trên, mấy nơi tiến hành kiểm tra xử lý, mấy nơi hủy cuộc thi như Cục Quản lý thị trường? Tức là, mấy nơi mạnh dạn hủy kết quả của các “con cháu nhà rồng”?
 
Trong một đợt đi công tác ở một địa phương miền núi cao, người viết bài này đã được nghe và trực tiếp chứng kiến một thực tế đối lập: Ở địa phương này, có rất nhiều “cán bộ trẻ” từ miền xuôi lên làm việc, những người này phần lớn học hành làng nhàng, bằng cấp làng nhàng... nhưng đều “có người nhà làm to gửi lên”. Trong khi đó, nhiều sinh viên là người bản địa, con em gia đình miền núi tốt nghiệp đại học về không được bố trí hoặc không bố trí được việc làm, dù các em đều tốt nghiệp đại học chính quy, có cả diện sinh viên cử tuyển và sinh viên tự thi đậu đại học. Cá biệt, có cả trường hợp con em người dân tộc thiểu số học giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, gửi hàng chục bộ hồ sơ, vẫn cứ phải chờ đợi hàng năm trời và hiện vẫn chỉ biết chờ đợi...
 
Theo một vị cán bộ người bản địa lâu năm cho biết, trong số các “cán bộ trẻ” nói trên, cùng với sự hạn chế về năng lực, về “lỗ hổng kiến thức vùng miền”, nhiều người còn mang tâm lý “quá giang”, ăn nhờ ở tạm một thời gian để tìm chỗ “xoay” về miền xuôi, vì thế sự tâm huyết, gắn bó hết mình vì việc, vì dân hẳn là còn nhiều chuyện cần phải bàn. Điều chắc chắn là năng lực hoàn thành nhiệm vụ đối với yêu cầu “đưa núi rừng tiến kịp với miền xuôi” còn có nhiều bất cập. Trong khi đó, nhiều sinh viên người bản địa, được học hành, đào tạo bài bản, vừa có mong muốn gắn bó công việc lâu dài với quê hương, vừa có kiến thức, tri thức văn hóa, ngôn ngữ, thông thạo địa hình, gần gũi dân cư... thì lại chưa được trao cơ hội. Có em vẫn chưa hết ngơ ngác khi trước một cuộc thi tuyển, có người gặp riêng và bảo “có từng ấy củ việc này mới xong” (!). Em cho biết vì gia đình em có bao nhiêu tiền đã cho em ăn học nên không thể gắng được, và dù em đã tham gia cuộc thi hết mình, bài làm rất mỹ mãn, vẫn không trúng tuyển. Trong khi đó “không hiểu sao bạn ngồi cạnh em không làm được bài mà vẫn cứ trúng tuyển”?! 
 
Ngay tại thời điểm này, “đến hẹn lại lên”, lại có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường. Và câu chuyện trên lại càng trở nên “phổ biến” hơn, bởi số lượng sinh viên ra trường không có việc làm bị “dồn toa” tại các địa phương sau mỗi năm lại nhiều lên. Trong hoàn cảnh thiếu may mắn, nhiều sinh viên được học hành đào tạo bài bản lại cứ phải “nhường đường cho người ưu tiên” (nhưng không xứng đáng bằng), lại không mang trong mình mặc cảm hoàn cảnh xuất thân từ “liu riu” nên phải chịu thân phận “liu riu”?
 
Chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một xã hội có nhiều đặc trưng tiến bộ, trong đó có hai nội dung giá trị đặc trưng được quan tâm hàng đầu, đó là dân chủ và công bằng. Trong xã hội ấy, ngoại trừ những đối tượng chính sách, những chính sách nhân văn, nhân đạo được thực hiện một cách công khai, thì mỗi người đều bình đẳng như nhau trước các cơ hội học tập, rèn luyện, lao động, đóng góp và cống hiến. Nếu thực sự tạo được “sân chơi bình đẳng” như vậy thì sẽ khuyến khích được sự nỗ lực học tập, rèn luyện, cố gắng phấn đấu của mỗi cá nhân, và đương nhiên khi đó những người thực tài, thực tâm, những người có năng lực lao động phù hợp sẽ được trao cơ hội, đương nhiên lúc đó sự phân biệt gốc gác rồng hay liu riu sẽ không là điều quan trọng. Đó chính là xu thế tất yếu của một xã hội tiến bộ, phát triển bền vững. Và muốn đưa đất nước tiến đến sự phát triển tiến bộ, bền vững, thực sự hóa Rồng, chúng ta không thể nằm ngoài xu thế ấy. Điều ấy, cần thiết và cần được bắt đầu từ mỗi vùng miền, từng địa phương!
 
Ngô Kiên