(Baonghean) - Trong bài “Điểm sàn: Bất cập nhưng chưa bỏ được!”, chúng ta đã bàn về những bất cập trong khâu tuyển sinh của các trường đại học, nhưng bất cập liệu có phải chỉ ở phía nhà trường, hay ngay cả việc chọn trường của các sỹ tử cũng còn tồn tại nhiều hạt sạn? Cổng trường đại học là cánh cửa bước vào tương lai, vậy làm thế nào để chọn được cánh cửa phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân cũng như bối cảnh gia đình và xã hội để con đường ta đi mai sau sẽ không là ngõ cụt? Cân bằng tất cả các tiêu chí trên để đưa ra một lựa chọn đúng đắn là câu hỏi muôn thuở của các em học sinh và các bậc phụ huynh mỗi mùa thi đến.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011, lượng hồ sơ đăng kí vào khối C của kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng chỉ bằng 1/3 so với các khối A, D. Phản hồi từ các giáo viên và học sinh của nhiều trường trung học phổ thông cũng cho thấy, số lượng học sinh đăng kí thi các ngành khối C chỉ chiếm thiểu số, ngay cả trong các lớp chuyên ban xã hội như chuyên Văn, Sử, Địa hầu hết học sinh đều đăng kí thi khối D. Lí do dẫn đến sự mất cân bằng trên không ngoài sự băn khoăn của các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh về cơ hội việc làm và thu nhập khi tốt nghiệp các ngành khối C. Tâm lí trên là hệ quả thiết yếu của tình trạng bất cân đối trên thị trường lao động những năm gần đây: trong khi các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng hay luật được xem là những nghề “hot” với nhu cầu tuyển dụng cao và mức lương hấp dẫn, thì các ngành nghề liên quan đến khoa học xã hội đang dần bị quên lãng, xem nhẹ. Nhiều học sinh cho biết, mặc dù rất ham thích và có khả năng tiếp thu tốt các môn khoa học xã hội nhưng không biết phải chọn ngành gì trong số ít ỏi những ngành học khối C (ít so với số ngành học của các khối A, D) để đảm bảo sau khi tốt nghiệp có thể tìm được một công việc tốt và đúng ngành học. Trên thực tế, nhiều sinh viên khối C sau khi ra trường phải học thêm văn bằng 2 các khối A, D và chấp nhận làm việc trái ngành vì quá khó khăn khi tìm việc hoặc vì mức thu nhập quá thấp.
Nếu như trước đây chúng ta thường nói đến việc các bậc cha mẹ vì muốn con em mình ra trường có một công việc ổn định mà định hướng, thậm chí áp đặt con em mình thi khối này thay vì khối kia thì hiện nay, các em học sinh đã tự lực hơn trong việc chọn khối, chọn ngành. Tự lực ở đây có nghĩa là tự các em có cái nhìn thực tế và tính toán, chứ không chỉ đơn thuần chọn lựa theo nguyện vọng, sở thích và khả năng của mình. Còn nhớ những năm 80-90, việc chọn khối hay chọn trường đại học của các thế hệ đi trước hoàn toàn dựa trên năng lực và ước mơ, và cứ đậu đại học là mừng rồi chứ nào ai nghĩ học trường này lương bổng được bao nhiêu, xin việc khó hay dễ. Tất nhiên, cũng bởi bối cảnh xã hội và tỷ lệ cung - cầu trên thị trường lao động xưa và nay có nhiều khác biệt nên không thể đem quan điểm xưa để áp đặt, rập khuôn vào xu hướng phát triển của xã hội thời nay. Tuy nhiên, qua đó cũng phần nào thấy được sự thay đổi trong cách suy nghĩ như là một hệ luỵ của nền kinh tế thị trường.
Hiện tượng trên dẫn đến ba hệ quả như sau:
Thứ nhất, gây khó khăn cho các trường đại học - cao đẳng hoặc các khoa, ngành thuộc ban khoa học xã hội do không đủ chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc do số lượng dự tuyển thấp nên tỉ lệ chọi thấp, chất lượng đầu vào không được sàng lọc (điều này là bất đắc dĩ vì làm gì có nhiều thí sinh để chọn?). Đáng lo ngại là những ngành nghề có vai trò quan trọng cho sự phát triển của xã hội như sư phạm cũng thuộc không ít trường ban xã hội, thử hỏi nếu chất lượng sinh viên của những ngành đào tạo này ngày một suy giảm thì viễn cảnh nền giáo dục nước nhà sẽ ra sao? Thế nên những ngành nghề như thế này đang thiếu hụt nhân lực không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng thừa thãi nhưng đãi ngộ xã hội còn chưa cao, thu nhập chỉ ở mức trung bình nên không thu hút được học sinh, sinh viên dự tuyển vào các khoa, ngành đào tạo.
Thứ hai, đối với các em học sinh đăng kí vào các khối, ngành “an toàn” thay vì lựa chọn theo nguyện vọng, sở thích cá nhân, liệu các em có thể kiên nhẫn theo học những lĩnh vực mình không quá đam mê, thậm chí là lãnh đạm, thờ ơ trong bốn, năm năm trời hay sẽ chán nản mà “đứt gánh giữa đường”? Giả như các em ra trường với tấm văn bằng và tìm được một việc làm ổn định, thì xin nhớ rằng công việc đó sẽ theo các em đi suốt nhiều năm cuộc đời. Gắn bó với một thứ mình không yêu thích trong khoảng thời gian dài như thế, sớm muộn các em sẽ chán chường, ghét bỏ, từ đó dẫn đến bất mãn với công việc. Những điều này khó có thể hiểu được khi ta hai mươi tuổi, nhưng sẽ trở thành nỗi ám ảnh mỗi sáng mai đặt chân đến nơi làm việc khi ta làm một công việc chán ngắt trong vòng hai mươi năm.
Thứ ba, xã hội sẽ vì sự bất cân đối trong đào tạo nhân lực mà phát triển một cách lệch lạc. Giáo dục là tấm gương phản chiếu tương lai của một xã hội. Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, đào tạo nên một con người nghĩa là đang đặt nền móng cho sự phát triển của xã hội trong một trăm năm tới. Vậy thì với một nền giáo dục mà những ngành, nghề khoa học xã hội ngày càng bị xem nhẹ, sự mai một của các giá trị văn hoá xã hội nhân văn sẽ là hậu quả tất yếu. Cũng như câu hỏi kinh điển của khoa học: “Con gà có trước hay quả trứng có trước”?, giáo dục phản ánh nhu cầu của xã hội và xã hội là quả ngọt (hay đắng?) của giáo dục, số phận các ngành, nghề khoa học xã hội sẽ xoay vòng theo xu hướng phát triển của nền giáo dục và của xã hội để rồi ngày một suy thoái, thụt lùi.
Có một câu chuyện vui như sau: Một cậu học trò lớp mười hai không biết phải chọn học ngành gì, nhân thấy công nghệ thông tin đang được ưa chuộng và bản thân thích chơi trò chơi điện tử (như rất nhiều cậu học trò khác), cậu bèn đăng kí học về công nghệ thông tin. Khi đã biết công nghệ thông tin không chỉ có game, cậu mới nhận ra mình đã chọn một cái áo không vừa vặn với mình, hay ít ra không phải là cái áo mà cậu thấy đẹp. Tất nhiên, hầu hết các bạn học sinh, sinh viên bây giờ không ngô nghê đến mức chọn ngành Tin vì thích chơi game, chọn Sư phạm vì thích nghỉ hè hay chọn Ngân hàng vì thích đếm tiền… đại loại thế. Người viết chỉ muốn thông qua câu chuyện trên mà nhắc nhở các bạn nên tìm hiểu rõ những gì mình muốn làm, có thể làm, nên làm và sẽ làm để cuộc sống và công việc tương lai của các bạn không là địa ngục. “Cờ bạc hơn nhau về cuối”, nếu vì những tính toán được mất, hơn thua trước mắt mà từ bỏ đam mê và ước mơ của mình thì đến cuối canh bạc này, liệu bạn còn lại được những gì?
Chọn cho bản thân hay theo xu thế?
Hải Triều (Email từ Paris)