(Baonghean) - Chiều 18/3/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Điều bất ngờ của phiên thảo luận này là các đại biểu dự họp không góp ý cho nội dung bản Dự thảo Luật sửa đổi lại phát hiện ra rằng chính những người làm Luật Chống lãng phí đã gây ra sự lãng phí! Theo ý kiến đa số các đại biểu Thường vụ Quốc hội dự họp thì Ban soạn thảo Luật đã đưa ra một văn bản luật chung chung, rất chi là “mênh mang”! Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đọc xong luật này rồi cũng không biết làm cách nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bởi các điều khoản cứ đưa ra những lời chung chung “phải làm thế này, phải làm thế kia” mà không hề chỉ ra là thế nào, cần làm gì để chống được lãng phí!”. Chủ tịch đề nghị Ban soạn thảo “Phải tính toán, thiết kế lại để trình Quốc hội chứ có chống tràn lan thế này được không?”. “Luật đưa ra mà cứ mênh mênh mang mang thế này”, các điều khoản thì bất khả thi kiểu như “đi lễ hội thì không được phép đi thăm quá hai chùa!”. Sau nhận xét hóm hỉnh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trước vẻ gây hài của văn bản Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đế thêm: “Thưa Chủ tịch, vậy mà Luật hiện hành đã tồn tại được 7 năm rồi đấy! Nay những quy định như Dự thảo sửa đổi Luật là đã bổ sung rất nhiều, tiến bộ rất nhiều so với Luật đang hiện hành đấy ạ!”

Vì thế, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Ban soạn thảo phải soạn lại các điều khoản sao cho khả thi hơn, không cần ôm đồm quá nhiều, bởi nhiều nội dung đã được điều chỉnh bằng các luật chuyên ngành. “Chứ cứ nêu ra mà không biết dùng để xử lý hành vi gì thì Luật cũng bất thành!”- Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng kết luận.

Nhìn chung, bản Dự thảo sửa đổi Luật còn mang nhiều nhược điểm cả nội dung lẫn hình thức. Chẳng hạn các quy định về thực hành tiết kiệm trong Dự thảo Luật còn mỏng, nhiều nội dung tiết kiệm hiện đang gây bức xúc trong xã hội (như tiết kiệm sử dụng đất, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí lễ hội, hội thảo…) cần có luật với những điều khoản quy định cụ thể, chi tiết. Vấn đề công khai trong quản lý, sử dụng vốn và các tài sản Nhà nước cần phải được quy định rõ ràng, xử phạt nghiêm minh… Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần có quy định về nội dung đầy đủ, hình thức sáng rõ, dễ hiểu, dễ vận dụng để trở thành văn bản pháp lý, thành cơ chế tin cậy, làm chỗ dựa vững chắc cho việc chống các hành vi gây lãng phí của cải của Nhà nước và nhân dân một cách có hiệu quả.

Một chuyện đáng chú ý, đầy chất hài hước nhưng lại rất nghiêm túc đó là các đại biểu Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị những người làm văn bản ban hành các cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính toán kỹ càng, không cân nhắc nguồn lực thực tế mà vẫn ra văn bản, ký văn bản dẫn đến lãng phí lớn thì phải chịu trách nhiệm theo các điều khoản quy định trong Luật Chống lãng phí! Do đó, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) lần này phải bổ sung vấn đề trách nhiệm đối với việc quyết định, ban hành các chính sách, các nghị định, thông tư thiếu tính khả thi!


Thạch Quỳ