Hôm nay (22/4), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

tong_bi_thu_11160964_2242022.jpgTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ ngày 15/4.

Đây là hội nghị thứ 2 về phát triển vùng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào sáng 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, có vị trí địa chính trị và an ninh, quốc phòng hết sức quan trọng, là đồng bằng châu thổ lớn nhất của Đông Nam Á, vựa lúa của cả nước, có nền văn minh sông nước độc đáo, nơi sinh sống của hơn 17 triệu đồng bào dân tộc anh em như Kinh, Khmer, Chăm,...

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến vùng ĐBSCL. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010.

Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định những định hướng, mục tiêu, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của vùng, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững; gắn phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất mới, phù hợp; các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là với đồng bào Khmer và nhân dân vùng ngập lũ; phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh, quốc phòng vững chắc”.

Mục tiêu của Nghị quyết số 21 đã cơ bản được hoàn thành; tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước thời gian qua…

Sau gần 20 năm triển khai, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21 về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với tư duy, quan điểm, tầm nhìn phù hợp bối cảnh mới, nhằm đưa ra các mục tiêu, chủ trương, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 21, để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới./.