(Baonghean) - An toàn giao thông đang là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm và cũng là một trong những chướng ngại vật lớn cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà khách du lịch nước ngoài vẫn thường rỉ tai nhau rằng bên cạnh phở, nón lá và áo dài thì tai nạn giao thông là “đặc sản” không thể không nhắc đến của Việt Nam (nói riêng và các nước kém hoặc đang phát triển nói chung). Sẽ là bất công nếu phủ nhận sự cố gắng của các cơ quan có thẩm quyền khi năm 2012 vừa qua là năm đầu tiên sau 10 năm tai nạn giao thông giảm mạnh trên hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, với nhiều quy định, chế tài mới được ban hành nhằm tăng cường kiểm soát an toàn giao thông. Tuy nhiên, những thiệt hại do tai nạn giao thông vẫn còn cao (chiếm 2,5% GDP), và dù giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lại có xu hướng tăng lên, cho thấy những giải pháp mà chúng ta đưa ra vẫn chưa thực sự hiệu quả và triệt để trên một tầm nhìn lâu dài.
Đơn cử như quy định về việc sử dụng xe chính chủ, dự kiến áp dụng thử nghiệm ở Hà Nội, gây ra nhiều tranh cãi và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân bởi những lý do sau: Thứ nhất, tính khả thi không cao do từ trước đến nay việc kiểm soát mua bán, chuyển nhượng phương tiện giao thông còn lỏng lẻo nên yêu cầu người dân bổ sung đầy đủ các giấy tờ theo quy định mới sẽ gây nhiều khó khăn, bất tiện, chưa kể trong trường hợp mất liên lạc với người chủ cũ thì đây là điều không thể thực hiện được. Trong trường hợp sử dụng phương tiện của người thân trong gia đình, người điều khiển phương tiện phải mang theo sổ hộ khẩu chứng minh quan hệ với người chủ đứng tên, đây cũng là một quy định cứng nhắc, bất tiện. Thứ hai, chế tài xử phạt còn chưa chặt chẽ, gây nhiều hoang mang cho người dân do mức xử phạt cao. Theo giải thích của những cơ quan có chức năng thì quy định trên nhằm vào những người mua bán lòng vòng nhằm trốn thuế còn những trường hợp như xe đi mượn nếu trình bày có lý sẽ không bị phạt? Khi chất vấn các ban, ngành trên về chế tài kiểm soát, xử lý các trường hợp đi xe của cơ quan, xe được tặng thì câu trả lời là chúng tôi vẫn chưa có quy định cụ thể? Nói chung là một điều luật mà hiệu quả chưa thấy đâu nhưng tính khả thi và chặt chẽ thì rất thấp, không phù hợp với bối cảnh kinh tế, gây phiền toái cho người dân.
Cảnh sát giao thông TP. Vinh xử lý vi phạm trật tự ATGT. Ảnh: Đức Chuyên
Hoặc như quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông, mặc dù được đưa vào thực hiện từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập, tiêu biểu là việc người dân đội mũ chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông chứ không quan tâm đến chất lượng mũ bảo hiểm. Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, 70% người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, đặc biệt 50% các ca tai nạn liên quan đến chấn thương sọ não dịp Tết Nguyên đán 2013 là do không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Bất cập trên xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, do khi ban hành quy định đội mũ bảo hiểm còn sơ hở, không quy định cụ thể về chất lượng, tiêu chuẩn của mũ bảo hiểm. Quy định hời hợt nên người dân cũng chấp hành một cách hời hợt, vì nhược điểm của dân ta là ý thức cộng đồng cũng như ý thức về an toàn giao thông còn kém, nên nếu các điều luật không chặt chẽ, triệt để sẽ tạo khe hở cho một bộ phận lớn những người thiếu ý thức lách luật, chấp hành một cách nửa vời, đối phó. Thứ hai, do công tác kiểm soát thanh tra chất lượng mũ bảo hiểm lưu hành trên thị trường còn lỏng lẻo, các cơ quan chức năng liên quan như Cục Đăng kiểm quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Chi cục quản lý thị trường, Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ chưa thống nhất về nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cơ quan nên việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm trở thành quả bóng cho người ta đá qua, đá lại. Kết quả là “cha chung không ai khóc”, các cục này, viện nọ được đầu tư máy móc, công nghệ kiểm định tiên tiến nhưng mũ bảo hiểm lậu, mũ bảo hiểm nhái thì vẫn ngang nhiên lưu hành trên thị trường.
Trên đây là hai ví dụ cho cách làm việc còn sơ sài, hời hợt và thiếu tầm nhìn xa của các cơ quan chức năng trong vấn đề an toàn giao thông. Đúc kết lại những cái còn thiếu của ngành Giao thông là: tính khả thi khi nhiều giải pháp, điều luật đưa ra còn chưa thực sự phù hợp với kinh tế và nếp sinh hoạt của người dân, tính đồng bộ khi chưa quan tâm xử lý tất cả các mắt xích của vấn đề (ví dụ như xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn nhưng các doanh nghiệp chưa qua kiểm định thì vẫn ngang nhiên bày bán sản phẩm trên thị trường), tính nghiêm túc khi văn hoá xử phạt vẫn còn nhiều tiêu cực khiến các điều luật bị xem thường.
Đó là nói về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, về phía người dân tất nhiên cũng còn không ít bất cập trong ý thức, thái độ khi tham gia giao thông, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông quốc gia. Quan sát người tham gia giao thông ta thấy có hai nhóm sau: thứ nhất là những người thiếu hiểu biết về Luật Giao thông, hoặc biết nhưng chưa hiểu, biết một cách qua loa đại khái. Một ví dụ cho tình trạng thiếu thông tin của người tham gia giao thông là sự hồn nhiên đến ngây ngô của một số người dân trong chiến dịch đổi mũ bảo hiểm có trợ giá tại Hà Nội ngày 23/3 vừa qua. Nhiều người do không tìm hiểu kỹ, hiểu thành một mũ bảo hiểm kém chất lượng được đổi lấy một mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn nên mua ngay chiếc mũ rởm ở vỉa hè mang đến đổi. Nhóm thứ hai là những người dù hiểu biết đầy đủ về Luật Giao thông nhưng vẫn vi phạm. Giải thích hành vi của họ có nhiều nguyên do, có thể do tham của rẻ nên nhắm mắt mua những chiếc mũ kém chất lượng chỉ để qua mặt lực lượng cảnh sát giao thông. Lại có những người chọn mua mũ không vì chất lượng mà vì mẫu mã hình thức, hoặc “liều mạng” hơn là không đội mũ bảo hiểm vì sợ hỏng kiểu tóc, không hợp thời trang.
Thế nên các cấp, ban, ngành có ban hành bao nhiêu bộ luật đi chăng nữa mà công tác tư tưởng cho dân không tốt thì cũng như “dã tràng xe cát biển Đông” mà thôi. Nhận thức người dân có được nâng cao thì vấn đề an toàn giao thông mới có thể được giải quyết một cách triệt để và bền vững.
Được biết, từ nay cho đến năm 2020 sẽ liên tục là Năm An toàn giao thông quốc gia, đặc biệt năm 2013 này có chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, câu hỏi đặt ra đã đúng trọng tâm vấn đề rồi, không biết chúng ta có trả lời dứt điểm được không hay lại vẫn hời hợt, đại khái với những phương án chữa cháy tạm thời?