(Baonghean) - Lâu nay, có một số người đưa thông tin tuyên truyền rằng dạy cho trẻ học chữ trước 6 tuổi, tức trước khi trẻ vào lớp 1 là sớm đánh thức tiềm năng, phát huy tính năng động của trẻ, làm cho đầu óc trẻ thông minh, tăng khả năng tiếp thu kiến thức về sau cho trẻ! Các “tuyên truyền viên” của “Học thuyết” này thường tự xưng là “nhà giáo dục” và đã không ít lần lên ti vi thẳng thừng khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa trẻ em dưới 6 tuổi đến trường học chữ! Đã đến lúc chúng ta nên hỏi rằng, các “Nhà giáo dục” đó là ai? Học hành tốt nghiệp bằng cấp ở đâu? Đại diện cho trường phái lý thuyết nào? Các phụ huynh có con em dưới 6 tuổi chưa đi học rất nên cảnh giác! Nếu chúng ta để sự việc phi khoa học giáo dục này xẩy ra thì vô hình trung chúng ta đã mở đầu cho một tập tục, một thói quen xấu, chúng ta sẽ có tội với thế hệ trẻ.

Ngày 25/3/2013, Bộ GD-ĐT đã  chính thức có ý kiến trao đổi với các nhà báo lập trường của Bộ về vấn đề này. Vụ trưởng vụ Tiểu học, ông Phạm Ngọc Định phát biểu rằng: “Dạy trước là có tội với trẻ em”. Ông nói rõ: Trước 6 tuổi, trẻ mầm non có chương trình nuôi dạy rất phù hợp với lứa tuổi. Trẻ chơi là chính và có được làm quen với chữ cái và chữ số. Sang lớp 1, đầu năm các cháu có một tuần để làm quen với nề nếp học tập, trường lớp, bạn bè. Đây là hoạt động quan trọng giúp trẻ chuyển “giao thừa” từ chơi sang học.

Ông Định nhấn mạnh: Việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Thứ nhất, trẻ được học trước vào lớp sẽ không còn sự háo hức, mất tập trung vì thấy kiến thức cô dạy đã học rồi, dẫn tới tâm lý chủ quan. Càng về sau các cháu sẽ càng đuối dần. Học trước cũng như kiểu bắt trái cây chín ép. Nếu không được dạy chu đáo dẫn tới tư thế ngồi, cách viết sai. Về sau muốn sửa cho trẻ rất khó. Trẻ rất dễ gặp phải những khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Dù cô dạy tốt cũng không nên cho các cháu đi học trước tuổi. “Như thế là có tội với trẻ em”- Ông Định kết luận.

Vụ phó Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Thị Hiếu khuyên: “Phụ huynh không nên quá kỳ vọng con giỏi ngay! Không nên có tâm lý ganh đua sai lầm để làm khổ trẻ!”. Bà nói rằng, Bộ đã nghiên cứu rất khoa học cho nên “Học đúng chương trình mầm non đã đủ điều kiện cả về thể chất và tâm thế để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1”. Bà cho rằng, việc cần làm của phụ huynh là trò chuyện, khuyến khích trẻ nói, suy nghĩ về trường lớp, về môi trường sắp tới của các cháu, giúp các cháu phát triển kỹ năng quan sát, tập trung chú ý, biết sẵn sàng hòa nhập, nỗ lực học tập, kỹ năng giao tiếp với bạn bè… Giúp trẻ sử dụng tiếng Việt thông qua trò chuyện, đọc sách. Hướng dẫn cách cầm sách, tư thế ngồi, thao tác bàn tay sao cho gọn gàng, khéo léo…

Tiến sỹ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh nói rằng: Chương trình SGK lớp 1 của Bộ GD-ĐT đưa ra mặc định rằng trẻ bước vào lớp 1 là chưa biết đọc, biết viết. Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà trên cơ sở khoa học người ta đã nghiên cứu, xem xét, đo lường, tính toán khả năng nhận thức, cơ tay, cơ thể, sức tiếp thu của trẻ thế nào cho phù hợp. Nếu nhà trường dạy cho các cháu vào lớp 1 một cách đàng hoàng thì việc cho trẻ học trước, viết trước không những  không cần thiết mà thậm chí còn là nguy hại ở chỗ khi đứa trẻ mới biết một cách “lam nham” mà tưởng là biết rồi sẽ không tập trung trong giờ học, do vậy, nhận thức được ít hơn những em chưa biết gì nhưng rất háo hức nghe cô giảng bài…

Nói tóm lại, các đại diện phát ngôn chính thức của Bộ GD-ĐT đã khẳng định việc dạy cho trẻ học chữ trước lớp 1 không theo chương trình giáo dục mầm non đã được soạn thảo khoa học là rất có hại, thậm chí là có tội với các cháu. Từ đây, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo siết chặt việc nghiêm cấm nhà trường, đánh vào trách nhiệm, xét điểm thi đua của giáo viên, hiệu trưởng, phòng và các sở GD- ĐT nếu để xẩy ra việc dạy thêm, học thêm đối với các học sinh trước tuổi. Hy vọng, tất cả các bậc  phụ huynh học sinh hiểu rõ cái hại của việc cho con đi học trước tuổi và hiểu rõ chủ trương của Bộ GD-ĐT để có định hướng  đúng đắn cho các trường hợp riêng của con em mình.


Thạch Quỳ