(Baonghean.vn). Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch cho người dân, những năm gần đây thông qua các chương trình của Chính phủ như 134, 135, các dự án, nhiều xã trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã được hỗ trợ để xây dựng các công trình nước sạch. Tuy vậy, qua vài năm sử dụng, nhiều công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Như ở xã Châu Hội, chỉ sau chưa đầy 3 tháng sử dụng công trình nước sạch được xây theo Chương trình 134, có giá trị gần 3 tỷ đồng ở bản Tằn 1, Tằn 2, bản Khun đã bị hư hỏng.


Hàng chục chiếc ống với chiều dài mỗi ống khoảng 7 mét, đường kính khoảng 110mm... cho thấy giá trị của công trình nước sạch ở bản Tằn chẳng hề nhỏ. Công trình này có tổng số vốn 1,2 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2008 với thiết kế theo tiêu chuẩn hiện hành về cấp nước sinh hoạt tự chảy nông thôn, gồm có: nước suối, bể lọc, đường ống dẫn nước, bể chứa, nhà tắm... Công trình hoàn thành thay vì mỗi nhà phải mua một chiếc ống dài hàng chục mét để lấy nước từ khe về như trước kia thì nay chỉ cần ra bể gần nhà là các hộ dân ở bản Tằn 1, Tằn 2 đã có thể dễ dàng lấy nước về sử dụng.

768797_small_66576.jpg

    Những chiếc ống bị hư hỏng đang nằm trong vườn nhà trưởng bản Tằn 2.


Thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", được hưởng nguồn nước sạch chưa được 3 tháng thì cơn lũ tháng 9 năm 2008 bất chợt kéo về, cuốn đi gần hết những chiếc ống dẫn nước. Thấy công trình bị hư hại, nhiều nơi đường ống bị hở ra, gãy nham nhở, người dân ở gần đó đã tranh thủ lấy về để làm đường ống dẫn nước cho nhà mình. Thời gian sau đó, UBND huyện Quỳ Châu đã có văn bản yêu cầu xã Châu Hội phải thu toàn bộ đường ống về, chờ để sửa sang lại.

Thế nhưng từ đó đến nay, gần 4 năm trôi qua, những chiếc ống vẫn nằm yên nơi góc vườn nhà trưởng bản. Mấy cái bể chứa nước gần đó, sau 4 năm bỏ không nay đã rêu mốc, cũ kĩ. Người dân ở bản Tằn 1, Tằn 2 lâu dần cũng quên mất bản đã từng có công trình nước sạch, trở lại thời kì sống bằng nước khe, nước suối như trước. Nói về khó khăn do không có nước sạch hiện nay, ông Sầm Văn Bình, bản Tằn 2 cho biết: "Cả bản có hơn 70 hộ dân nhưng chỉ 5 hộ có điều kiện để đào giếng vì giếng ở đây khó đào lắm. Năm ngoái, cả vùng bị khô hạn, người dân trong bản lao đao vì không có nước để dùng. Anh em chúng tôi đã bàn tính đi bộ sang xã Thanh Quân, huyện Như Xuân của Thanh Hoá để lấy nước".


Chúng tôi ngược trở ra bản Khun để xem công trình nước sạch có giá trị 1,8 tỷ nay cũng đang bỏ dở, không phát huy tác dụng. Công trình này được đưa vào nghiệm thu tháng 6/2009, thế nhưng cũng chưa đầy 2 tháng sau đó bị cuốn trôi theo mưa lũ. Không có nước, nhà tắm, bể chứa nước nay thành nơi để rơm rạ. Một số bể vòi nước cũng đã bị tháo đi trơ trọi. Ông Lang Anh Tý - Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết: "Ngay khi các đập nước vừa hoàn thành, chúng tôi đã lo lắng vì hệ thống đường ống nước của công trình khá dài và phần lớn lại được đặt lộ thiên. Như vậy vừa dễ tạo điều kiện cho kẻ xấu phá, vừa dễ bị hư hỏng khi lũ lụt về. Thực tế, chỉ qua một cơn lũ mà toàn bộ hệ thống đường ống đã bị hư hại không còn tác dụng".


Là một trong những xã khó khăn nhất về nước sạch nên chính quyền địa phương và người dân rất lo lắng khi hàng tỷ đồng của Nhà nước nay trở thành một đống sắt vụn. Mấy năm qua, đã nhiều lần xã đề nghị huyện xem xét và sửa chữa lại công trình này nhưng không hiểu sao "đã nhiều đoàn đến kiểm tra xem xét nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì" - ông Lang Anh Tý nói. Hỏi ông Lang Văn Dũng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu về thiết kế của công trình, ông cho biết: "Trước khi thuê thiết kế, chúng tôi đã khảo sát kĩ càng và quá trình thi công đã làm đúng như bản vẽ". Về lý do tại sao đường ống lại được làm lộ thiên, trong khi đáng lẽ ra nên chôn sâu xuống lòng đất, ông Dũng biện minh: Địa hình ở Châu Hội chủ yếu là đá nên rất khó để chôn xuống lòng đất. Bên cạnh đó, nhiều nơi đường ống chạy men theo triền núi nên không thể đào xuống được.


"Việc hư hại công trình nước sạch ở bẳn Tằn 1, Tằn 2 và bản Khun đã được chính huyện Quỳ Châu báo cáo lên tỉnh. Thế nhưng, với số tiền 70 triệu đồng được cấp để khắc phục hư hại, huyện đã không làm được gì vì "số tiền đó quá ít, không đủ để sửa sang lại công trình. Trong khi đó, nếu trông chờ vào ngân sách của huyện thì chẳng biết đến bao giờ vì mỗi năm huyện chỉ thu được ngân sách hơn 5 tỷ đồng" - Bà Lang Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết. Giải pháp hữu hiệu nhất cho công trình hư hại trên hiện vẫn chưa có, huyện đang hi vọng vào các dự án hỗ trợ của nước ngoài trong thời gian tới. Xa hơn, huyện cũng đã lên phương án xây dựng nhà máy nước sạch ở Châu Hội, Châu Nga, Châu Bình, tuy nhiên phải ít nhất đến năm 2015 dự án này mới triển khai đuợc - bà Hồng khẳng định.


Đến bao giờ bà con Quỳ Châu mới không phải sống nhờ vào những cơn mưa, đến bao giờ công trình nước sạch ở Châu Hội mới sử dụng được trở lại, đến bao giờ mới hết cảnh những công trình tiền tỷ nằm "đắp chiếu"? Những câu hỏi này xin chuyển đến các ban ngành có trách nhiệm để xem xét, giải quyết.


Đạm Phương - Song Hoàng