(Baonghean.vn). Sau gần 4 năm, Nhôn Mai, cảm nhận đầu tiên là vùng đất này gần như chẳng có mấy đổi thay, ngoại trừ nước lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đã dâng lên tận trung tâm xã nên không phải cuốc bộ gần một giờ đồng hồ như trước và một vài đoạn đường đang thi công dang dở.
Nhôn Mai (Tương Dương) có 12 bản (2 bản dân tộc Thái, 3 bản dân tộc Mông và 7 bản dân tộc Khơ mú) với hơn 2.500 nhân khẩu. Nhôn Mai là một trong những xã hiện đang đứng đầu về tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Nguồn gốc của đói nghèo ở Nhôn Mai xuất phát từ thực trạng "4 không": không điện lưới, không đường bộ, không chợ và không sóng điện thoại. Để đến Nhôn Mai, không có cách nào khác là đi xuồng máy.
Lâu nay, bà con nơi đây cơ bản vẫn thắp sáng bằng đèn dầu và một ít nguồn điện từ các tua- bin nhỏ đặt dọc các khe suối, ngoài không đảm bảo an toàn thì nguồn điện không ổn định, thường xuyên bị hỏng hóc và bị cuốn trôi vào mùa mưa lũ. Thiếu nguồn điện chính là một trở ngại không nhỏ trong vấn đề nâng cao dân trí, tiếp cận các kiến thức khoa học- kỹ thuật phục vụ sản xuất chăn nuôi thông qua các phương tiện nghe, nhìn. Ví dụ như do không biết cách phòng chống, nên đàn trâu bò của xã thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh, đặc biệt trận dịch năm 2010 toàn xã bị chết hàng trăm con.
Để giao lưu với bên ngoài, người dân Nhôn Mai gần như chỉ có duy nhất một con đường là đi xuồng qua lòng hồ Bản Vẽ. Cước phí từ đây ra đến bến Thượng Lưu (gần thủy điện) ở mức trên dưới 100.000 đồng/người/lượt. Số tiền này khá lớn so với thu nhập của người dân nên có việc gì thật sự cần thiết bà con mới ra trung tâm huyện, thậm chí có những người hàng năm không đi khỏi địa bàn xã. Từ trung tâm xã đến các bảnkhông có cách nào khác là cuốc bộ. Có những bản xa như Huồi Cọ, Thăm Thẩm, Piêng Luống,... phải mất 6- 8 giờ đi bộ. Địa hìnhcách trở, giao thông đi lại khó khăn, ngoài hạn chế tới công việc làm ăn của người dân còn là một lực cản lớn đối với việc học tập của các em học sinh.
Nhiều em phải dựng lều tạm gần trường để trọ học với bao thiếu thốn vất vả, có những em phải trèo đèo lội suối hàng giờ để kịp đến lớp. Những vất vả, khó khăn này chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả và chất lượng học tập thấp cũng như hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng. Hiện nay, số học sinh toàn xã tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT có thể tính được trên đầu ngón tay, và số học sinh theo học đại học, cao đẳng và các trường chuyên nghiệp càng ít. Cuộc sống của bà con các dân tộc ở Nhôn Mai vẫn đang tự cung, tự cấp.
Không có chợ, các sản phẩm bà con làm ra không có nơi tiêu thụ, đem ra thị trấn bán thì không thể đủ tiền xuồng, mà cũng không có ai đến đây để thu mua, bao tiêu sản phẩm đó. Vì vậy, người dân chưa có thói quen sản xuất hàng hóa. Gần đây, trên địa bàn của xã đã xuất hiện một số mô hình trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc nhưng đa số bà con vẫn chưa mạnh dạn học hỏi và nhân rộng mô hình vì lo lắng không có nơi tiêu thụ sản phẩm.
Cánh sóng của các "nhà mạng" cũng chưa vươn được tới Nhôn Mai. Ngoài thư từ qua đường bưu điện và nhắn tin qua người đi xuồng, cách liên lạc nhanh nhất là qua chiếc máy điện thoại vệ tinh chạy bằng năng lượng mặt trời đặt tại trụ sở UBND xã. Trong điều kiện thời tiết nắng ráo, chiếc điện thoại này có thể kết nối liên lạc được với các số thuê bao khác, nhưng nếu vào những ngày trời âm u, mưa gió thì máy sẽ không đủ nguồn năng lượng hoạt động. Ông Vi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngoài chuyện đường sá đi lại khó khăn, vấn đề thông tin liên lạc cũng là một trở ngại rất lớn trong công tác điều hành, lãnh đạo và chỉ đạo cơ sở cũng như tiếp nhận chủ trương của cấp trên".
Rời Nhôn Mai, chúng tôi mang theo suy nghĩ khi nào xã xóa được "4 không" để bà con thoát dần đói nghèo?