Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình điểm, sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khuyến nông. Năm 2021, nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai. Đáng chú ý, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện 5 mô hình thuộc nguồn Khuyến nông Quốc gia, trong đó có 2 mô hình thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, 2 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 1 mô hình bảo quản hải sản trên tàu khai thác.
Các mô hình được triển khai đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đạt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. Đặc biệt, thông qua triển khai các mô hình đã thực hiện tốt các mắt xích chuỗi sản xuất - chế biến - bảo quản nông sản, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện kế hoạch được giao của Sở Nông nghiệp &PTNT, Trung tâm đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình khuyến nôngra thực tiễn sản xuất, với tổng số 25 mô hình, đạt 100% so với kế hoạch. Trong đó có 11 dạng mô hình trồng trọt, 7 dạng mô hình chăn nuôi, 6 dạng mô hình thủy sản, 1 dạng mô hình lâm nghiệp; ngoài ra có 14 mô hình do Trung tâm DVNN huyện, thành phố, thị xã triển khai và 11 mô hình do Trung tâm Khuyến nông trực tiếp triển khai. Các mô hình thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra của chương trình.
Gắn với công tác xây dựng mô hình và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực phẩm; từ đó liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân.
Bên cạnh đó, việc tập trung vào thế mạnh của từng địa phương, phát triển các sản phẩm đặc sản của từng vùng, hướng tới xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương cũng được Trung tâm Khuyến nông chú trọng trong công tác xây dựng Đề án, chương trình Khuyến nông hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
Chú trọng tuyên truyền, tập huấn
Để có được những mô hình hiệu quả, thiết thực, có tính lan tỏa cao, phải kể đến công tác tuyên truyền, tập huấn được Trung tâm chú trọng triển khai thường xuyên.
Trong năm 2021, Trung tâm đã tổ chức 58 lớp tập huấn về chương trình đất lúa theo Nghị định 35; 119 lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt thôn bản; tổ chức 2 lớp tập huấnkhuyến nông từ nguồn Khuyến nông quốc gia; tổ chức 4 lớp cho đối tượng khuyến nông tỉnh/huyện; chủ trì phối hợp với các đơn vị Ban quản lý cảng cá Nghệ An, Chi cục Thủy sản Nghệ An tổ chức 15 lớp tập huấn cho ngư dân các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển với nội dung: các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định nhằm gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban EC; triển khai 10 lớp tập huấn cho nông dân vùng khó khăn; theo dõi các đơn vị Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố triển khai các nguồn tập huấn tổng 1.312 lớp tập huấn cho nông dân…
Có thể nói, công tác đào tạo, huấn luyện khuyến nông đã đóng góp vai trò chủ lực để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông các cấp, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng quản lý nông trại của người nông dân.
Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng tiến bộ KHKT của người dân vào sản xuất, đồng thời từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng và giá trị nông sản. Năm 2021, công tác thông tin tuyên truyền luôn được chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với đài Phát thanh Truyền hình phát sóng 6 trang phóng sự; phát sóng 6 trang chuyên đề; tổ chức thực hiện trang website, thường xuyên cập nhật và đăng tải tin, bài kịp thời; đã cập nhật, đăng tải 125 tin và bài, ngoài ra còn cập nhật 130 thông tin từ nguồn Báo Nghệ An, trang website khuyến nông Quốc gia…
Đáng chú ý, Trung tâm Khuyến nông còn phát hành 12 số tập san khuyến nông với tổng 6.996 cuốn; trong đó gồm 112 bài viết cung cấp thông tin về các mô hình hiệu quả, biện pháp kỹ thuật sản xuất và các gương sản xuất giỏi. Trung tâm cũng phối hợp Báo Nghệ An thực hiện 12 trang tuyên truyền với 26 nội dung tuyên tuyền khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và một số mô hình nổi bật; thực hiện 12 trang trên báo điện tử đảm bảo tiến độ và phù hợp thời vụ sản xuất; phối hợp Đại diện cơ quan thường trú Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ đóng tại Nghệ An cung cấp cho cán bộ phụ trách nông nghiệp 97 xã thuộc 6 huyện miền núi, với tổng số báo là 240 số, trong đó có 5 số báo gộp, tổng 23.280; thực hiện 9 trang Nhịp cầu nhà nông trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh...
Nhìn lại một năm hoạt động khuyến nông, mặc dù có những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các hoạt động khuyến nông. Tuy nhiên, Trung tâm đã chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, khắc phục mọi khó khăn và tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu theo kế hoạch được giao, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục tập trung đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động từ công tác xây dựng mô hình đến hoạt động thông tin tuyên truyền để lan tỏa những cách làm hay, mô hình hiệu quả, nhân rộng sản xuất một cách bền vững; Chủ động liên kết “bốn nhà”, nhất là đối với các tổ chức doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Theo đó, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động khuyến nông, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kết nối và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.