(Baonghean) - Ngày 9/11 vừa qua, nhận nhiệm vụ đi tác nghiệp để thông tin về việc phòng tránh và ứng cứu nhân dân trước dự báo siêu bão Haiyan (Hải Yến) vào Quãng Ngãi, phóng viên Hồng Sen của Đài Truyền thanh Truyền hình huyện Đức Phổ đã bị tai nạn giao thông và mất trên đường đưa đi cấp cứu. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm, chia sẻ, nhiều tình cảm xót thương và nuối tiếc của đồng nghiệp cũng như khán thính giả, độc giả, cộng đồng mạng và dư luận nhân dân. Cùng với đó, hình ảnh Ngọc Bích - nữ biên tập viên trẻ đẹp của bản tin thời tiết VTV1 được đồng nghiệp ghi lại khoảnh khắc khi đang tác nghiệp tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) trong hoàn cảnh bão Hải Yến đang băng băng tiến sát đất liền, trước mặt là gió giật mưa quật, sau lưng là cơn cuồng nộ của biển cả. Ngọc Bích bình tĩnh, tự tin xuất hiện trước ống kính để đưa thông tin về siêu bão Hải Yến. Hình ảnh này được đăng tải trên mạng xã hội và lập tức gây được hiệu ứng lớn trong cộng đồng mạng, tạo cơn “sốt” về lượt người theo dõi, sẻ chia, bày tỏ sự cảm mến, nể phục.
Hai sự việc nói trên, nhân vật trung tâm đều là các phóng viên nữ. Một người làm việc cho Đài Truyền hình Trung ương, một người làm việc cho Đài Truyền thanh Truyền hình cơ sở, họ đều xuất hiện trong hoàn cảnh giống nhau, với cùng một công việc và tính chất nguy hiểm cao như nhau: đi thực địa để đưa tin về siêu bão Hải Yến. Và một trong hai nhân vật ấy đã gặp nguy hiểm và phải vĩnh viễn rời xa cuộc đời. Hai mẩu chuyện nhỏ cho thấy các phóng viên đưa tin về bão lũ đã trải qua những vất vả, hiểm nguy để phục vụ cho nhu cầu nắm bắt thông tin, nhằm giúp cho nhân dân làm tốt hơn việc phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Hai mẩu chuyện trên cũng đồng thời hé mở nhiều điều phải vượt lên trong công việc hằng ngày của người làm báo.
Điều gì khiến những nữ phóng viên trẻ có thể vượt qua những khó khăn của phái nữ khi tác nghiệp, nhất là tác nghiệp trong môi trường bão tố, mưa lũ? Đó không hẳn chỉ với lý do mưu sinh theo cách nghĩ thông thường. Trước hết, ở họ phải có tinh thần dũng cảm, và trên hết, không thể thiếu được đức hy sinh. Những phóng viên, nhà báo khi dấn thân, xông pha nơi tâm bão đều mang trên mình sứ mệnh nặng nề về việc phải cung cấp những nguồn hình ảnh để, có thể là hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người có thể nắm bắt, xử lý để phòng tránh bão tốt hơn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản tốt hơn, các cấp, các ngành chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống bão lũ tốt hơn... Đó chính là động lực, đồng thời cũng là mục tiêu, là lý do để mỗi phóng viên, nhà báo tình nguyện nhận nhiệm vụ, dấn thân vào nơi nguy hiểm mà không hề so đo, toan tính.
Và chắc hẳn ai ai cũng đều biết rằng, Hồng Sen và Ngọc Bích chỉ là hai trong số rất nhiều phóng viên, nhà báo, ê kíp người làm báo đã dấn thân, đã có mặt, đã túc trực tại thực địa hoặc tại tòa soạn, trạm phát sóng để làm tin và đưa tin về siêu bão Hải Yến.
Cũng cần nói thêm, không chỉ siêu bão Hải Yến, báo chí còn phải đối mặt với rất nhiều những cơn bão, siêu bão khác không kém phần gian khó, nguy hiểm. Những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, tích cực từ sự ra đi của phóng viên Hồng Sen và việc làm của biên tập viên Ngọc Bích cho thấy xã hội luôn tôn vinh tinh thần dũng cảm và đức hy sinh. Và đó cũng là những phẩm chất không thể thiếu của phóng viên, nhà báo, người làm báo chân chính hôm nay!
Ngô Kiên