(Baonghean) - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã nghe báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể thủy điện của cả nước.
 
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ trong tổng số 1.239 dự án thủy điện đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát 158 dự án thủy điện và không xem xét 172 vị trí tiềm năng thủy điện, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 đối với 4 dự án thủy điện bậc thang và 132 dự án thủy điện nhỏ nếu bảo đảm hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội. Riêng Nghệ An trong tổng số 44 dự án thủy điện được phê duyệt đã loại bỏ 7 dự án và 14 vị trí tiềm năng thủy điện.
 
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường của Quốc hội thì chất lượng quy hoạch thủy điện rất hạn chế, nhiều dự án bị loại bỏ vì không có tính khả thi, khoảng 37% số dự án bị loại bỏ là thủy điện nhỏ. Chất lượng thi công và mức độ bảo đảm an toàn của nhiều công trình thủy điện  rất thấp. Đối với các công trình thủy điện nhỏ gần 30% số đập chưa được kiểm định, gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão, khoảng 66% số đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt, chỉ mới có khoảng 6% chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới phạm vi khai thác của công trình.
 
Theo báo cáo của Bộ Công Thương thì diện tích rừng bị lấy làm thủy điện hơn 50.000 ha, trong khi đó diện tích trồng rừng thay thế chỉ đạt 3,7% diện tích rừng bị xóa để làm thủy điện. Do ngăn nước làm thủy điện nên các dòng sông cạn kiệt, phía hạ lưu bị nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, chức năng giao thông của các dòng sông bị biến dạng. Việc dự kiến thảm họa và nguy cơ gây ra cho con người không được tính toán kỹ, nhiều nhà máy thủy điện như những túi nước khổng lồ treo trên đầu các khu dân cư, nếu không may xẩy ra thảm họa vỡ đập thì không có cách gì tránh được. Tại các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ đều chưa đánh giá được hết tác hại trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để có các phương án đối phó. Phần lớn các nhà máy thủy điện nhỏ đều không thông báo lịch xả nước gây thiệt hại lớn cho nhân dân trong mùa mưa bão.
 
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội thì quy hoạch thủy điện có quá nhiều lỗ hổng. Quá trình quy hoạch chỉ dừng lại ở việc khảo sát bậc thang thủy điện, tức chỉ khảo sát dòng chảy xem khả năng thủy điện của dòng sông như thế nào để phê duyệt quy hoạch, còn các yếu tố tác động đến môi trường - xã hội đều bị bỏ qua. Việc phát triển tràn lan các công trình thủy điện nhỏ vừa không đem lại hiệu quả vừa gây tác hại lớn cho môi trường (trong tổng số 1.293 dự án thủy điện được phê duyệt có 1.109 dự án thủy điện nhỏ nhưng chỉ đóng góp khoảng 26% sản lượng điện). Việc giám sát xây dựng các công trình thủy điện gần như bỏ mặc các đơn vị thi công vì các dự án đều thực hiện ở vùng cao, miền núi, bởi vậy không tránh khỏi chất lượng công trình không đảm bảo, như đập tràn Thủy điện sông Tranh 2 ở Quảng Nam.
 
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo dừng 40% dự án thủy điện nhưng khi thảo luận quy hoạch tổng thể, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ thông qua việc loại bỏ những dự án thủy điện kém hiệu quả, gây tác hại lớn. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải khảo sát đánh giá lại một cách nghiêm túc, khoa học tất cả 815 dự án thủy điện được giữ lại trong quy hoạch để tính toán giữa hiệu quả kinh tế - xã hội và tác hại đối với môi trường, sản xuất, đời sống của nhân dân để quyết định duy trì từng công trình thủy điện. Khi các dự án thủy điện được triển khai ồ ạt trong cả nước, các nhà khoa học, giới chuyên môn và dư luận báo chí đã có những cảnh báo nhưng không được tiếp thu nghiêm túc nên mới dẫn đến hậu quả như hiện nay. Đây là bài học đắt giá cho các ngành chức năng và các địa phương về quản lý thủy điện.
 
 
Trần Hồng Cơ