(Baonghean) - Tuần qua, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (bị xử chung thân về tội giết người, đã thụ án 10 năm, nay tội phạm chính thức tự ra đầu thú) làm chấn động dư luận xã hội, được Chủ tịch nước, Quốc hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các bộ, ngành liên quan hết sức quan tâm. Vụ án oan sai này  đặt ra rất nhiều vấn đề mà các cơ quan thi hành pháp luật phải nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Bài học đắt giá, thiết thực nhất, cần tập trung suy nghĩ nhiều nhất, vẫn là vấn đề làm thế nào để giảm thiểu các bản án oan sai?
images873103_an_oan_1.jpgÔng Nguyễn Thanh Chấn xúc động trở về trong vòng tay người thân và làng xóm. Ảnh Internet

Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể.  Nếu để xẩy ra oan sai thì đó là điều đáng tiếc! Bộ trưởng đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”. 

 
Qua vụ án Nguyễn Thanh Chấn, một số nhà khoa học cho rằng, quan niệm “trọng chứng hơn trọng cung” là đúng nhưng vẫn chưa triệt để. Chính vấn đề được gọi “trọng cung” lại là cơ sở, là mấu chốt làm nên oan sai ở vụ án này. Khi kết luận vụ án Nguyễn Thanh Chấn, tòa án chỉ dựa vào “cung” (lời khai của nghi phạm), không có “chứng”, mà đã vội tuyên án ông ta vào khung hình phạt tù chung thân, sẽ dễ dẫn đến sai lầm, xử phạt oan sai cho người vô tội!
 
Điều đáng để ý trong vụ án này là mọi lời khai của ông Chấn đều chống lại ông ta, phản bội ông ta, dẫn ông ta vào tù. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Đây chính là mấu chốt để người ta đặt vấn đề nghi vấn về sự vô tư, khách quan của các kết luận điều tra! Tại tòa, bị can đã thẳng thừng phản cung và tố cáo cán bộ điều tra vi phạm pháp luật. Từ  thực tế đó, chúng ta cần xét lại yếu tố “trọng cung”, tức là xét lại giá trị lời khai của các bị can. Nói rõ ra là pháp luật có nên dựa vào “cung”, có nên coi “cung” là yếu tố có thể xem xét để kết tội nghi phạm? Hiện nay, nhiều nước trên thế giới không coi lời khai của can phạm là có giá trị pháp lý. Việc nghi phạm chối tội cho bản thân nó phải được coi là điều tất nhiên. Ngược lại, nếu lời nói của nghi phạm lại tự buộc tội chính mình thì phải coi nghi phạm đó là kẻ có dấu hiệu tâm thần bất ổn! Đằng nào thì lời khai của nghi phạm vẫn bị coi là không có giá trị pháp lý. Quan niệm đó giúp quá trình tố tụng tránh được các sai lầm khi tiếp nhận lời khai của các phạm nhân. Khi lời khai nghi phạm bị coi là vô giá trị thì không tồn tại các sai lầm của các cán bộ điều tra như việc mớm cung, ép cung... chẳng hạn. Đây là một quan niệm khoa học, tiến bộ, rất nên để tâm nghiên cứu, tiếp thu! 
 
Để giảm thiểu các vụ án oan sai, các thành viên tham gia công tác tố tụng, hơn ai hết, phải nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, đề cao hai tiếng “pháp quyền”. Chính vì chưa tôn trọng pháp quyền, cán bộ điều tra mới phạm những sai lầm nghiêm trọng trong việc lấy cung các nghi phạm. Mặt khác, ở vụ án Nguyễn Thanh Chấn, nếu từ đầu, cán bộ Viện Kiểm sát đề cao trách nhiệm của mình, giám sát chặt chẽ công việc và cẩn thận hơn trong việc công nhận kết quả điều tra thì đã tránh được sai lầm trong cả chuỗi dài các hành trình tố tụng. 
 
Một vấn đề khác cũng cần rút kinh nghiệm, là để tránh án oan sai cho các bản án, cần xác định đúng đắn hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và vai trò của luật sư. Theo luật pháp nước ta, luật sư có quyền giám sát và bảo vệ thân chủ của mình ngay sau 24 tiếng đồng hồ, khi nghi phạm có lệnh bị bắt tạm giam. Luật sư được quyền có mặt trong các buổi hỏi cung của các cán bộ điều tra... Nhiều quy định về vai trò của luật sư đã được ghi trong văn bản luật, chưa được thực thi trong thực tế cũng là một trong các yếu tố chưa được tận dụng, để góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai...
 
Thạch Quỳ