(Baonghean)- Chuyện xảy ra đã được một tuần rồi, nhưng cho đến hôm nay, vẫn không ít người băn khoăn về tính trung thực và sự hợp lý của các quyết định đó.
Đó là khi cả ba doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone đồng loạt tăng cước 3G sau khi được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông với mức tăng trung bình 20%. Ba nhà mạng cùng nhau đưa gói cước 50.000 đồng lên thành 70.000 đồng (40%). Hành động này bị dư luận cho là VinaPhone, MobiFone và Viettel “bắt tay với chắc” nâng giá dịch vụ. Trước phản ứng của người tiêu dùng, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ vấn đề. Bộ đã tích cực vào cuộc và câu trả lời đưa ra trước bàn dân thiên hạ về việc tăng cước là “hợp lý”, “tất yếu” so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và giá cước như hiện tại vẫn chưa đủ bù đắp các chi phí đã bỏ ra và có thể còn tăng nữa!?
Vậy mà khi các doanh nghiệp vận tải “dọa” sẽ nghỉ chạy vì cách tính cước mới khiến hàng vạn thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô ngừng hoạt động do không kịp nạp tài khoản và dẫn tới phá sản. Có doanh nghiệp đã phải bù tới 10 triệu đồng/ngày để đảm bảo các thiết bị giám sát hành trình vẫn hoạt động đầy đủ. Và rứa là “ba ông lớn” VinaPhone, Mobifone, Viettel vội vàng ngồi vào bàn đàm phán với ngành Giao thông Vận tải và sốt sắng đưa ra cách giải quyết nhằm hài hòa quyền lợi của đôi bên bằng việc “nghiên cứu để đưa vào gói cước 10.000 đồng/tháng nhằm áp dụng cho thiết bị giám sát hành trình”.
Nói về động thái này, có người đánh giá là “mềm nắn, rắn buông”. Còn việc Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá như vậy về việc tăng cước thì khác chi “cha” đánh giá về “con”. Vì trong “ba ông lớn” nớ có “hai ngài” vốn dĩ là “con đẻ” của Bộ là VinaPhone và Mobifone. Mà cha thì khi mô mà nỏ thương con. Cho dù đứa con đó có hư đến mấy. Nên không thể khách quan được. Còn việc giảm giá cước cho bên Giao thông Vận tải thì là hành vi “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Ngành Giao thông Vận tải hay là hàng triệu người sử dụng dịch vụ 3G khác cũng đều là khách hàng cả. Không thể giảm cho người này mà lại tăng của người khác lên. Đó là cách làm vô lối, coi thường dư luận. Thích ai thì cho ngài nớ! Nói như ngài quê ta thì là “mần như con nít nhởi chạ!”
Sở dĩ họ dám “mần rứa” là vì họ đang thống lĩnh thị trường viễn thông cả nước nên tin chắc rằng: mần rứa chơ có mần chi hơn nựa cụng nỏ có ai mần chi được choa!
Nghệ Nhân