Theo đó, san sẻ với những khó khăn của người lao động nói chung và công nhân lao động nói riêng, Nghị quyết 11/NQ-CP ghi rõ, chính phủ sẽ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022. Dự kiến, khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 sẽ được sử dụng thực hiện chính sách này.
Đối với những cá nhân, hộ gia đình có nguyện vọng mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan cũng được hỗ trợ vay. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa dành cho các nội dung này là 15.000 tỷ đồng. Không những thế, các khoản vay nhằm mục đích cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được quan tâm thực hiện. Cụ thể, người lao động sẽ được vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.
Để giải quyết nhiều bất cập liên quan đến vấn đề nguồn lực lao động sau đại dịch, Chính phủ sẽ đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Song song với đó, các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao trọng điểm cũng được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp… Theo đó, tối đa 3,15 nghìn tỷ đồng sẽ được sử dụng vào việc đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm. Những bước đi này không chỉ nâng cao chất lượng lao động mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển của thế giới.
Bên cạnh những chính sách trực tiếp, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp cũng gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân, lao động. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho nhiều nhóm doanh nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.