(Baonghean) - Ở xứ ta, một thời gian dài chuyện “sợ rượu” trở thành nỗi ám ảnh chung, gần như không của riêng ai, không chỉ ở cấp nào, ngành nào. Có cán bộ được phân công đi làm chủ chốt cấp cơ sở, khi được hỏi nếu đảm nhiệm công tác lãnh đạo ở cơ sở, đồng chí lo ngại nhất là điều gì, thì vị cán bộ đó đã không ngần ngại trả lời: Lo ngại nhất là không chối được chuyện uống rượu. Lo ngại đó không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế đã có không ít cán bộ “gặp khó”, đã bị cơ sở cho là “không hết lòng”, “không nhiệt tình”, “không tôn trọng” cơ sở… mà thực chất chỉ là vì không uống được rượu, không “hòa đồng” trong chuyện uống rượu khi về làm chủ chốt ở cơ sở. Tương tự như vậy, một số cán bộ khi được giao về làm việc ở cơ sở, nhất là vùng miền núi, về vùng sâu, vùng xa, điều ngại nhất không phải đường sá xa xôi, hiểm trở, không phải là công việc khó khăn… mà chỉ ngại không uống được rượu.

Ở một khía cạnh khác, những cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt và cán bộ văn phòng – bộ phận phải tiếp khách và phục vụ tiếp khách, không phải ai cũng muốn uống rượu, ai cũng thèm khát rượu, đôi khi họ cũng phải căng mình ra, gồng mình lên để mời, để ép, để uống… Một đồng chí từng làm cán bộ văn phòng cho biết, một quan niệm “lưu hành” khá phổ biến là phải bày tỏ lòng hiếu khách bằng thái độ nhiệt tình trong mời rượu và uống rượu. Đồng thời, không ít nơi lấy chuyện uống rượu làm thước đo về thái độ, tình cảm… Có sẵn sàng uống rượu mới sẵn sàng làm việc, nhiệt tình uống rượu mới nhiệt tình trong công việc, “thật” rượu mới “thật lòng”, “hết mình uống” thì mới gọi là “sống hết mình”… Vì thế, “tâm thế” của cơ sở, của người đi tiếp khách cũng ngại nhất là chuyện phải uống rượu. Vợ hoặc chồng, con và cháu… của những người thường xuyên phải đi tiếp khách, đôi khi cũng lo lắng không kém về việc mỗi lần người nhà mình đi tiếp khách về đều bị say, mệt, có khi là nôn mửa, có khi như một trận ốm…

Bởi quan niệm lệch lạc này nên không ít trường hợp đã đánh tráo năng lực uống rượu với năng lực làm việc. Thậm chí năng lực uống rượu có lúc bị nhìn nhận, đánh đồng với năng lực cán bộ. Thế mới có chuyện có những cán bộ trẻ chưa lo học việc đã lo “học rượu”. Có những cán bộ được bầu cử, được bổ nhiệm, đề bạt, chưa lo phát huy trách nhiệm đã phải lo chứng tỏ năng lực uống rượu. Thế nên, trong thực tế đã có không ít cán bộ hầu như chỉ thấy nổi trội năng lực uống rượu, nên gọi là “năng lực rượu”. Và, một khi cán bộ chỉ có “năng lực rượu” thì hầu hết họ cũng chỉ giỏi mỗi “công tác nhậu” mà thôi. Nếu kiểu cán bộ “năng lực rượu” này phát triển trên diện rộng thì không thể nói hết những tai hại, bởi rõ ràng đây chính là biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về lối sống, về sinh hoạt, làm ảnh hưởng không chỉ tác phong, mà có thể dẫn tới băng hoại về đạo đức.

Những tác hại về rượu thì sách báo nói quá nhiều, trong thời đại thông tin tràn ngập nếu muốn tìm chắc không khó. Những văn bản, quy định cấm rượu hoặc hạn chế uống rượu tùy theo thời gian, nơi chốn, từ trung ương đến cơ sở đã ban hành, thậm chí một số nơi còn được cụ thể hóa trong các quy chế làm việc của cơ quan. Thế nhưng, điều quan trọng là việc áp dụng thực hiện nghiêm túc, thực chất, không phải nơi nào cũng làm tốt.

Một điều dễ hiểu là để có bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, vì dân, vì sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước, thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, một trong những việc cần làm là phải dứt khoát thực hiện việc nghiêm cấm say rượu, uống rượu trong giờ làm việc; cấm uống rượu khi tiếp khách công vụ, nhất là vào buổi trưa. Muốn thực hiện có hiệu quả thì phải phát huy tinh thần nêu gương, vai trò tích cực gương mẫu của lãnh đạo: lãnh đạo cấp trên làm gương cho lãnh đạo cấp dưới; người chủ trì, đứng đầu, cốt cán làm gương cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng nhân dân…


Đức Dương