(Baonghean) - Ai cũng hiểu, khói thuốc lá không chỉ có hại lớn cho sức khỏe của người hút mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các phiền toái khác cho người xung quanh cũng như môi trường sống của cộng đồng. Nhiều thập kỷ qua, trong dư luận xã hội, hút thuốc lá trở thành một thứ “tệ”; một thói quen xấu không thua gì tệ “quá chén” và chứng nghiện rượu. Biết và hiểu điều đó, nhưng không phải ai cũng nhất quyết từ bỏ hút thuốc, từ bỏ thói quen xấu đó vì nhiều lẽ; thậm chí nhiều thanh niên mới lớn còn tập hút thuốc lá để “thể hiện” mình. Và, bởi nhiều lý do, không phải ai cũng mạnh dạn can ngăn hành vi vi phạm của người hút thuốc lá.
Trước tình hình trên, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013; đồng thời, một nghị định cụ thể hóa luật trên cũng đã được Bộ Y tế soạn thảo ban hành trong nay mai. Luật và dự thảo Nghị định về phòng chống tác hại của tác lá nêu cụ thể, chi tiết hành vi vi phạm của người hút thuốc lá; trách nhiệm của người đứng đầu những nơi cấm hút thuốc; cơ quan nào có quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật nêu trên. Được biết, dự thảo nghị định nhằm cụ thể hóa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đề ra với mức xử lý (phạt tiền) rất nặng đối với các hành vi vi phạm (từ 100 nghìn đồng đến 40 triệu đồng).
Có thể nói, tuy có hơi muộn với một số nước nhưng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của xã hội; phù hợp với Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá.
Được biết, Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á đã hoan nghênh luật mới này của nhà nước ta và đánh giá rằng: “Đây là một dấu mốc quan trọng và lịch sử” của Việt Nam.
Được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh nhưng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống như thế nào lại là vấn đề cần phải bàn.
Thực ra, việc phòng chống tác hại của thuốc lá ở nước ta không là điều mới. Trước đây, trong các ngành, các đoàn thể từng có những cuộc vận động bỏ thuốc lá, nhưng mang tính hình thức và phong trào. Nhưng, đến năm 2005, Chính phủ đã ra Nghị định số 45/2005 – NĐ/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó, có nội dung xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng; cuối năm 2009, Quyết định 1315/TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng kể từ ngày 1/01/2010. Các nghị định, quyết định trên đều có mức nêu những hành vi vi phạm cụ thể với những mức phạt phải nói là tương đối cao để răn đe. Tuy nhiên, xem ra các văn bản trên đều không có hiệu quả, thậm chí từ cơ quan chức năng đến người vi phạm đều tỏ ra lơ là, nếu không muốn nói là cả nghị định lẫn quyết định nêu trên đều rơi vào lãng quên (?).
Vậy nguyên nhân nào để xảy ra tình trạng không hay đó, trong khi cả xã hội lên án tệ hút thuốc lá, nhất là hút thuốc lá ở những nơi có quy định cấm; hơn nữa, ai cũng hiểu nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều mang tính pháp chế và là mệnh lệnh, là chế tài cần phải được tôn trọng và tuân thủ?
Có rất nhiều nguyên nhân để trả lời câu hỏi trên, nhưng trước hết, phải nói rõ, khâu tuyên truyền cho người dân còn thiếu đồng bộ và yếu. Thứ hai, các cơ quan chức năng, mà chủ yếu là ngành Y tế được giao kiểm tra, giám sát, xử lý những hành vi vi phạm thì thiếu lực lượng (như một số quan chức ngành này nói), thiếu chủ động và thiếu cả nhiệt tình để thực thi nhiệm vụ. Cuối cùng là, những người hút thuốc lá, nghiện thuốc lá thiếu ý thức, thiếu tự giác không chỉ trong chấp hành các quy định của Chính phủ mà còn thiếu tôn trọng nếp sống văn minh, thiếu tôn trọng cộng đồng và không tôn trọng cả ngay bản thân mình. Và kết quả là, từ năm 2005 đến nay, thực trạng hút thuốc lá ở những nơi cấm vẫn diễn ra mà không có gì thay đổi so với trước. Ai hút cứ hút, nơi cấm hút cứ hút, ai bị ảnh hưởng sức khỏe hay phiền toái vẫn cứ “chịu trận”. Rất đơn giản là chưa có hành vi vi phạm nào liên quan đến việc phòng, chống tác hại của thuốc lá bị cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt theo các nghị định, quyết định liên quan.
Tuy thực tế trên có phần “ảm đạm”, nhưng lần này là việc “phòng, chống tác hại của thuốc lá” đã được ghi thành luật. Luật lại có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 cùng với một nghị định Chính phủ cụ thể hóa luật trên thì tính khả thi ắt hẳn khác trước. Đó là chưa nói đến các cơ quan chức năng, mà nòng cốt là ngành Y tế, hẳn đã rút ra những bài học sâu sắc về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian qua. Bởi vì, từ nay, ai – cán bộ cơ quan chức năng hay người hút thuốc lá có hành vi vi phạm Luật Phòng, chống thuốc lá – là vi phạm pháp luật!
Tính khả thi của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá?
Việt Long