(Baonghean) - Người Việt Nam ta có câu “Thuận mua, vừa bán”, ý nói một cuộc mua bán mĩ mãn là cả người bán và mua đều thấy hài lòng vì công sức, đồng tiền mình bỏ ra không bị hớ, bị thiệt. Tuy nhiên, quan sát thấy trong thái độ, cung cách giao dịch của người bán hàng hiện nay còn nhiều bất cập, phần nào khiến nền kinh tế trì trệ, kém văn minh.
Về văn hoá bán hàng, có hai vấn đề nổi cộm: thứ nhất là vấn đề của sản phẩm, mặt hàng được bày bán; thứ nhì là vấn đề thái độ, cung cách phục vụ của người bán hàng.
Chúng ta vẫn thường nghe tivi, đài báo phản ánh về nguồn gốc hay cách thức sản xuất, chế biến các mặt hàng trên thị trường, đặc biệt là các loại thực phẩm. Những vụ xì-căng-đan gây bão trong dư luận một thời như cà phê giả, trứng giả, gạo giả, thịt lợn sề đội lốt thịt dê, vịt đực con “giả trang” chim sẻ, hoa quả tiêm hoá chất hay trà sữa trân châu làm từ nhựa tổng hợp chưa bao giờ im ắng. Những ví dụ trên chỉ là số ít trong vô số những câu chuyện kinh hoàng về thị trường hàng hoá hiện nay, đến nỗi nhiều người tiêu dùng vẫn nửa đùa nửa thật bảo nhau “ăn thì chết, mà không ăn cũng chết”. Rồi một tình trạng mâu thuẫn là số lượng ca bệnh ngộ độc, nhiễm độc, thậm chí là tử vong do tiêu thụ những sản phẩm chứa thành phần là các hoá chất công nghiệp độc hại cứ ngày một tăng lên, trong khi mức sống của người dân đáng ra phải trên đà cải thiện.
Tất nhiên trách nhiệm thuộc về những người buôn bán, khi mà lợi ích kinh tế làm họ mờ mắt, bán rẻ lương tâm của mình và thản nhiên nhìn đồng bào chết dần, chết mòn. Trong lúc đó, các cơ quan kiểm định, thanh tra đang đi đâu, làm gì hay cái chức năng, danh xưng của họ chỉ để làm vui (thậm chí là làm tiền), chứ người tiêu thụ thì “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”?
Thứ nữa là thái độ, cung cách phục vụ của người bán hàng, giảm đáng kể chất lượng của các hoạt động mua bán và khiến ngành thương mại của ta trở thành một thứ “cà muối xổi” thu lợi tủn mủn. Có hai trường hợp phổ biến như sau: một là người bán thiếu lễ độ, thậm chí là xúc phạm đến người mua hàng khi không thoả thuận được về giá cả, hoặc người mua xem hàng nhưng không mua vì chưa ưng ý. Hiện tượng đáng lên án trên vẫn cứ tồn tại, dù ai cũng biết, ai cũng ghét, phải chăng vì người mua phần nhiều thường nhẫn nhịn, sợ phiền nhiễu, thôi thì “một sự nhịn là chín sự lành” nên phường buôn bán được thể lấn tới? Hay phải chăng các quy định, chế tài bảo vệ người tiêu dùng chỉ mới quan tâm đến lợi ích chứ chưa quan tâm bảo vệ danh dự, nhân phẩm của họ nên người tiêu dùng đành “ngậm đắng nuốt cay”?
Một trường hợp khác là sự thờ ơ, cẩu thả của người bán trong cung cách phục vụ khách hàng. Giải thích hiện tượng trên có nhiều lý do. Có khi là do người bán kì thị, phân biệt khách hàng, coi trọng khách hàng giàu có, khá giả và khinh thường, miệt thị với những khách hàng bình dân.
Một lý do khác giải thích cho cung cách phục vụ cẩu thả của người bán là do thiếu cái nhìn từ góc độ của người tiêu dùng. Bí quyết thành công của một nhà kinh doanh giỏi là phải hiểu rõ mình đang bán cái gì, bán cho ai, người mua cần những gì? Hoặc như khi đi ăn ở nhà hàng, chỉ những tiện ích nhỏ như bàn ghế khách ngồi có chật chội không, nhà vệ sinh đã sạch sẽ chưa, thái độ của nhân viên phục vụ có niềm nở không, nếu người ta để ý chăm lo đến những điều nhỏ nhặt như vậy thì khách hàng sẽ vui lòng hơn, mà lợi ích kinh tế về lâu về dài cũng lớn hơn nhiều lắm.
Có còn nữa không những cô bán hàng xén, hàng nước xinh xinh luôn “nở nụ cười như mùa thu toả nắng”, để cho khách hàng phải ngây ngất mê say không chỉ vì nước chè cô nấu ngon mà còn vì những lời nói bông đùa xởi lởi, đáng yêu cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”? Thiết nghĩ phàm làm gì cũng cần nhất ở người ta cái tâm, cái tình, chứ đừng chỉ sống với nhau bằng tính toán lỗ lãi, lừa đảo làm tiền, để rồi nhân cách của mình cũng trở thành một thứ hàng rẻ rúng lúc nào không hay.
Chuyện kẻ bán
Hải Triều