(Baonghean) - Với người dân nước ta, từ xa xưa đến nay, nhà đất và các loại giấy tờ liên quan đến nhà đất luôn là thứ hệ trọng và không ít trường hợp người ta quý như tính mạng con người. Vì thế, việc được cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhà mà người dân quen gọi là “sổ đỏ”, “sổ hồng” luôn là mục tiêu số một trong cuộc đời của mỗi người và mỗi gia đình. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, cả về khách quan lẫn chủ quan mà với không ít người và gia đình, mục tiêu đó vẫn rất khó đạt được. Cho dù, trên thực tế họ đang có nhà, đất để sử dụng.
Thực trạng này diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua rà soát, ở Thành phố Hồ CHí Minh, có trên 129 nghìn trường hợp nhà đất không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận, ở Hà Nội cũng xấp xỉ con số đó. Sở dĩ không đủ điều kiện, chủ yếu là do việc mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay giữa các cá nhân với nhau; do người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng trên đất nông nghiệp; do đất đai có nguồn gốc lấn chiếm nhưng nay không phù hợp quy hoạch; nhà, đất có vi phạm xây dựng; nhà đất đang có tranh chấp; vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở, như chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, xây sai thiết kế và quy hoạch được duyệt, chưa xây dựng nhà đã chuyển nhượng cho người mua tự xây dựng…
Vì thế, khi Quốc hội có chủ trương về việc phải hoàn thành cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trong năm 2013. Các cơ quan chức năng ở hai thành phố này đã ráo riết vào cuộc. Bởi lẽ, thực tiễn đã xảy ra và đang tồn tại như vậy nên chính quyền không thể không giải quyết việc cấp giấy chứng nhận vì mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Từ quan điểm đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một loạt các biện pháp tháo gỡ đối với các trường hợp sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc. Một số quyết định mới với các thủ tục thông thoáng tối đa, giúp người dân dễ tiếp cận hơn đã được ban hành.
Theo đó, đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp có nhà ở, giải quyết theo hướng: đất sử dụng trước ngày 1/7/2006 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003, đang sử dụng ổn định, không tranh chấp, tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đã có quy hoạch được duyệt, thì tại thời điểm xét cấp nếu phù hợp quy hoạch sẽ được cấp theo hiện trạng.
Tương tự, đất sử dụng trước ngày 1/7/2004 không phù hợp quy hoạch nhưng tại thời điểm xét cấp chưa xác định được thời gian thực hiện quy hoạch, thì được cấp giấy chứng nhận đất ở trong hạn mức đã quy định. Đối với các trường hợp lấn chiếm nhưng thực tế người dân đã sử dụng ổn định từ trước 1/7/2004 hoặc các trường hợp chuyển mục đích từ đất nông nghiệp thành đất ở mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng, thực hiện trước ngày 1/7/2004 hiện không có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, phù hợp quy hoạch và không vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai; không lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; không lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng… thì sẽ được cấp giấy chứng nhận và thu tiền sử dụng đất theo quy định.
Trong trường hợp các hộ dân khi được cấp nếu chưa có điều kiện nộp tiền sử dụng đất thì cho ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận. Đối với nhà ở tại các dự án nhà tái định cư, nhà ở chung cư cao tầng trước Luật Đất đai 2003 được miễn nộp tiền sử dụng đất nhưng nay phải nộp, dự án chung cư đã nộp tiền sử dụng đất, nay phải nộp bổ sung thì trách nhiệm nộp là chủ đầu tư dự án. Đối với người được bố trí tái định cư, người mua nhà ở chung cư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư thì cũng được cấp mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì.
Với các chủ trương và quyết định mới này, hàng trăm nghìn hộ gia đình trước nay không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ sẽ có cơ hội được cấp. Vậy là cái nút thắt bao năm qua gây khó khăn cho người dân lẫn chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc cấp GCNQSDĐ, về cơ bản đã được tháo gỡ. Và cách giải quyết như vậy là rất hợp tình, hợp lý. Việc tồn đọng các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ là do chính sách còn có chỗ bất cập, chưa giải quyết triệt để những tồn tại vì vướng thực tiễn đang hiện diện trong cuộc sống và người ta đã đưa luôn cái thực tiễn đó vào chính sách nên đã tìm ra cách giải quyết phù hợp.
Vậy là, chỉ cần thay đổi quan điểm tí chút và có cách ứng xử linh hoạt hơn trước thực tiễn đang diễn ra trong cuộc sống mà có đến hàng trăm nghìn gia đình được thay đổi thân phận. Cuộc sống của họ bỗng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn trước rất nhiều.
Qua đây mới thấy, đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống rất quan trọng, nhưng đưa thực tiễn cuộc sống vào chính sách cũng quan trọng không kém. Vì nhờ đó mà giúp giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh hay tồn tại đã lâu, rút ngắn được khoảng cách giữa chính sách và cuộc sống.
Đưa thực tiễn vào chính sách
Duy Hương