VÀO CUỘC KỊP THỜI GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG TỰ PHÁT
Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ việc đình công, ngừng việc tập thể. Nguyên nhân các vụ việc xuất phát từ tranh chấp về lợi ích. Đa số đều liên quan đến các nội dung: Yêu cầu tăng lương cơ bản, trả thưởng, tăng các loại phụ cấp, nâng chất lượng bữa ăn giữa ca, chế độ hỗ trợ Covid-19, thái độ ứng xử của bộ phận quản lý...
Trong đó, có nhóm nhỏ người lao động thiếu thông tin, ít quan tâm tìm hiểu pháp luật lao động nên bị lôi kéo, xúi giục đòi hỏi quyền lợi.
Ngay sau khi xảy ra các vụ việc, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phối hợp với các ban, ngành cấp huyện có mặt kịp thời tại công ty để hỗ trợ ổn định tình hình và tham gia giải quyết; nắm bắt, thu thập đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng của người lao động; phối hợp với cơ quan chức năng xem xét, rà soát, phân loại, đánh giá mức độ và tính pháp lý của các đề xuất kiến nghị. Phối hợp thực hiện giải quyết đình công theo đúng thẩm quyền quy định tại Quyết định số 29/QĐ/2021/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh; đề xuất với chính quyền thành lập và tham gia cùng với đoàn giải quyết đình công; tổ chức làm việc với chủ doanh nghiệp, tham dự đối thoại thương lượng giữa doanh nghiệp với người lao động để tìm phương án giải quyết các kiến nghị, vận động người lao động quay trở lại làm việc.
Đối với các vụ việc phức tạp như tại Công ty TNHH Viet Glory(Diễn Châu), nhận thấy cuộc đình công có xu hướng kéo dài, cấp huyện khó giải quyết dứt điểm, LĐLĐ tỉnh đã thành lập đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp tư vấn, đàm phán và thương lượng với chủ doanh nghiệp trên cơ sở phân tích tình hình doanh nghiệp, các văn bản quy định của Nhà nước về pháp luật lao động, để vừa phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, vừa đảm bảo môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Đoàn công tác đã thực hiện giải quyết đình công kiên trì, mềm dẻo nhưng cương quyết để thương lượng, thuyết phục, tìm tiếng nói chung. Từ sự nỗ lực của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp đã đồng ý giải quyết các kiến nghị của người lao động và người lao động đã quay lại làm việc.
Sau đó, LĐLĐ tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo công đoàn các cấp thường xuyên theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình sau đình công, vận động công nhân làm việc tích cực, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và bền vững.
Đánh giá về việc tham gia giải quyết hiệu quả các vụ việc đình công của Công đoàn Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnhcho rằng: “Khi sự việc xảy ra, LĐLĐ tỉnh, tổ chức Công đoàn các cấp đã kịp thời và trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để tham gia giải quyết đình công, ngừng việc tập thể; tuyên truyền, vận động NLĐ đi làm trở lại. Đồng thời, công đoàn đã thuyết phục người sử dụng lao động hỗ trợ, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa. UBND tỉnh cũng rất chia sẻ với LĐLĐ tỉnh, tổ chức Công đoàn các cấp khi lực lượng cán bộ công đoàn còn mỏng, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, do đó cũng gặp những khó khăn nhất định”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chia sẻ mong muốn Công đoàn Nghệ An tiếp tục phát huy vai trò, vị thế trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đóng góp tích cực trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp.
THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, với nhiều cách thức đồng bộ, linh hoạt, các cấp Công đoàn đã hạn chế tới mức thấp nhất những vụ việc đình công, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp. Từ đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Cụ thể, công đoàn đã nỗ lực làm tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động; đồng hành với doanh nghiệp để chăm lo cho người lao động; tích cực tham mưu cho chủ doanh nghiệp thực hiện bài bản các chế độ, chính sách cho người lao động để họ yên tâm làm việc, duy trì quan hệ lao động ổn định và phát triển. Để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của người lao động, công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối, truyền tải kịp thời các vấn đề đến người lao động và chủ doanh nghiệp.
Những đóng góp của Công đoàn Nghệ An trong việc xây dựng quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua được chính quyền địa phương, các doanh nghiệp ghi nhận, từ đó, đánh giá sát thực hơn về vai trò của tổ chức Công đoàn. Để có được điều đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống, thế nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhận định: Trong thời gian tới, quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh có thể diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao về tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, ảnh hưởng đến quan hệ lao động. Để chủ động ứng phó, ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài. Trước mắt, tập trung bám sát cơ sở, thăm hỏi, nắm bắt tình hình, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có đông người lao động. Rà soát các nội dung trong quản lý lao động tại doanh nghiệp như: Nội quy lao động, quy chế trả lương, thưởng, TƯLĐTT...; nắm bắt tình hình trả lương, thưởng, các chế độ phụ cấp, phúc lợi cho NLĐ. Đề nghị doanh nghiệp khắc phục ngay những hạn chế trong việc ban hành các văn bản quản lý lao động cũng như thực hiện đúng pháp luật lao động.
Đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch Công đoàn cơ sở chủ động đề xuất với chủ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ và đột xuất theo Điều 63, 64 Bộ luật Lao động; lắp đặt hộp thư góp ý tại doanh nghiệp để thu thập các kiến nghị của người lao động. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật về các chế độ chính sách liên quan đến người lao động. Nắm bắt đầy đủ các thông tin của doanh nghiệp trên địa bàn như: Kết quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận, nộp thuế, tăng trưởng,... để làm căn cứ đối thoại, giải quyết khi đình công xảy ra. Phối hợp, phát huy và nâng cao trách nhiệm của UBND các huyện trong việc quản lý lao động, xử lý các cuộc đình công trái pháp luật; hỗ trợ công đoàn cơ sở của doanh nghiệp trong quá trình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tham gia hòa giải, đối thoại khi đình công xảy ra.
Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Xây dựng đội ngũ này vừa có tâm, vừa có trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, là chỗ dựa tin cậy của người lao động và là cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động. Đó là giải pháp rất quan trọng và cũng là mục tiêu Nghị quyết số 02/NQ của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã đề ra.