(Baonghean) - Ngày 6/8/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã ký Quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phúc tạp mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Điều đặc biệt chú ý là tham gia 7 đoàn kiểm tra này, có mặt của những "nhân vật" quan trọng nhất, những đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật quan trọng nhất như: 2 ủy viên Bộ Chính trị là ông Ngô Văn Du - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng; Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
5 trưởng đoàn còn lại gồm các Ủy viên Trung ương Đảng có cương vị lãnh đạo các cơ quan quan trọng nhất như: Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện; Phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng - Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh; Bí thư Trung ương Đảng - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình... Theo kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát gồm kiểm tra, giám sát việc phát hiện, thanh tra và xử lý sau thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; kiểm tra, giám sát việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp... và "thanh tra của thanh tra" các địa phương "có thể có vấn đề" và hầu hết các cơ quan bảo vệ pháp luật đều trong "tầm ngắm" của đợt thanh tra này...
Chưa có kết quả cụ thể, nhưng rõ ràng đợt "ra quân" phòng chống tham nhũng một cách hùng hậu này của Trung ương đã chứng tỏ trước dân quyết tâm của Đảng trong việc phòng chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của nhân dân về sự bảo vệ sự trong sạch của Đảng - một vấn đề rất lớn mà dư luận nhân dân đang đặc biệt quan tâm.
Không phải vô cớ mà lòng dân phấn khởi, hồi hộp chờ đợi từng ngày theo bước chân của các "đoàn Bao Công". Ai cũng biết, đã từ lâu lắm rồi, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nạn tham nhũng đã chà đạp lên lòng tin của nhân dân vốn luôn tin yêu Đảng, đã cùng Đảng đi qua bao cuộc cách mạng, giành lại đất nước hòa bình hôm nay. Nạn tham nhũng, cửa quyền, ăn cắp tài sản công, "lợi ích nhóm", ức hiếp nhân dân là những vấn nạn không chỉ làm trì trệ xã hội mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ, nếu không được kịp thời ngăn ngừa, sửa chữa, chưa biết kết quả sẽ đi đến đâu?
Xây dựng lòng tin bền vững trong nhân dân là vấn đề mấu chốt nhất mà đảng cầm quyền nào cũng phải làm, cũng phải thực hiện. Xây dựng lòng tin ấy không chỉ bằng chủ trương, đường lối đúng, văn minh, nhân bản mà còn bằng hệ thống chính sách, bằng những công việc cụ thể của một hệ thống công quyền của Nhà nước thực thi công việc và pháp luật biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, vì sự nghiệp no cơm, ấm áo của nhân dân mà phục vụ. Khi một đảng cầm quyền có những "công bộc" là "nghịch tử" xa rời những mục tiêu này, chỉ biết lo cho quyền lợi bản thân và "lợi ích nhóm" sẽ làm nảy sinh trong dân sự nghi ngờ về sự trong sạch cũng như sức mạnh thật sự của Đảng và Nhà nước pháp quyền. Cũng may, sự thật này đã được nhận biết!
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) với vấn đề mấu chốt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, hoàn thiện và đổi mới hệ thống chính trị, lấy lại lòng tin trong nhân dân, một lần nữa khẳng định "cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do dân, vì nhân dân, do dân làm chủ" ra đời rất đúng lúc, được nhân dân đón đợi nhiệt tình.
Chống tham nhũng và đợt ra quân chống tham nhũng một cách đầy ấn tượng vừa qua là một cách cụ thể hóa một phần quan trọng nhất của Nghị quyết T.Ư 7. Nhân dân chờ đợi kết quả và chính sự chờ đợi này cũng nói về lòng tin và tình cảm đáng kính trọng của nhân dân, nói về thành công bước đầu của một Nghị quyết được nhân dân ủng hộ.
Xây dựng lòng tin bền vững trong nhân dân
Thạch Anh (Hà Nội)