(Baonghean) - Trao đổi, tiếp cận thông tin là nhu cầu thiết yếu của xã hội loài người. Từ khi mới manh nha đến thời kỳ phát triển mạnh mẽ như ngày nay, báo chí đã và đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển mọi mặt của xã hội. Phạm vi hoạt động rộng khắp là một trong những đặc thù làm nên sức mạnh của báo chí.
Nói về sức nặng và tầm ảnh hưởng của báo chí, nên biết rằng các nước phương Tây gọi báo chí là Quyền lực thứ 4 - bên cạnh quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Vụ bê bối chính trị Watergate bị tờ Washington Post phanh phui (1972-1974) đã nhấn mạnh quyền lực của báo chí hơn bao giờ hết, khi mà kết quả của vụ scandal này là tuyên bố từ chức của Tổng thống Nixon. Trong một bối cảnh và tư tưởng chính trị khác, Lê-nin nói về vai trò của báo chí trong cuốn “Làm gì” (1902) như sau: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành cuộc cổ động, tuyên truyền có nguyên tắc và toàn diện”. Như vậy, có thể khẳng định sức mạnh và tầm quan trọng của báo chí trong mọi xã hội, mọi Nhà nước. Sức mạnh đó, như Lênin đã nói, chính là cổ động, tuyên truyền, nói một cách khác là khả năng tạo dư luận.
Đến đây, có thể kết luận, sức mạnh của báo chí là sức mạnh “mượn” từ nhân dân. Một bài báo có thể khiến một vị tổng thống phải từ chức được không, nếu xét về mặt pháp lý? Chức năng của báo chí không phải là Lập pháp, Hành pháp hay Tư pháp. Xét về mặt pháp lý, báo chí không có quyền năng gì ghê gớm để can thiệp vào những vấn đề xã hội, chính trị từ lớn đến nhỏ. Quyền và nghĩa vụ duy nhất của báo chí là nói những gì mình biết, mình thấy. Ấy thế mà cái quyền ấy ghê gớm hơn ta tưởng nhiều.
Tự nhiên liên tưởng đến hình ảnh thằng mõ làng, dù rằng thằng mõ ít quyền hành hơn nhà báo nhiều lắm vì nó chỉ được nói theo mồm người ta. Thế mà nó cũng cứ được ăn miếng ngon dù không được ngồi mâm trên và không ai dám làm khó nó vì sợ mang tiếng với làng trên, xóm dưới. Thằng mõ không có chức có quyền nhưng nó có cái mồm, đóng sưu thuế cũng là nghe theo mồm thằng mõ chứ các ông lý mặc sức đâu mà đi rao cho cả thiên hạ biết. Như thế không phải để nói nhà báo là thằng mõ mà để thấy tiếng nói có sức nặng như thế nào, nhất là khi người nói có trăm, vạn người nghe!
Tuy nhiên, mối quan hệ nhà báo - quần chúng không chỉ là mối quan hệ một chiều mà báo chí ở vế dưới. Năm 2008 - 2010, báo chí đồng loạt đưa tin về việc Nhà máy Vedan Việt Nam xả nước thải gây ô nhiễm sông Thị Vải, ảnh hưởng đến cư dân lân cận. Ngoài việc yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, báo chí tạo nên làn sóng phản đối trong dư luận, kết quả là Vedan bị người tiêu dùng trên cả nước tẩy chay. Như vậy, báo chí là nhân tố liên kết và tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết các vấn đề của xã hội. Điều đáng nói là trước khi bị đưa lên mặt báo, Vedan đã xả nước thải ra sông Thị Vải trong 15 năm trời! Do thiếu hiểu biết nên chỉ một số hộ gia đình khiếu nại, nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của Vedan và chấp nhận sống chung với dòng sông ô nhiễm. Rõ ràng, báo chí là cây gậy dẫn đường mà những người dân với nhận thức nghèo nàn nương theo để gõ cửa công lý.
Từ đó nảy sinh câu hỏi: Sẽ ra sao nếu “cây gậy” báo chí dẫn dư luận đi sai đường? Điều 3 trong quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam quy định: “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Hoặc trong Tuyên ngôn về quy tắc ứng xử nhà báo của Liên đoàn nhà báo quốc tế năm 1954 (bổ sung năm 1986), nêu rõ “tôn trọng sự thật và quyền được biết sự thật của công chúng là nhiệm vụ đầu tiên của nhà báo”. Như vậy, tính trung thực, khách quan là đặc thù bắt buộc, thậm chí là định nghĩa cho báo chí. Nhưng nếu thông tin đúng bị truyền tải một cách lệch lạc, phiến diện, bóp méo cái nhìn của người đọc để phục vụ động cơ cá nhân thì cũng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ví dụ, tờ báo A đăng tin về một ông X nào đó. Thông tin được đăng tải có thật, nhưng thay vì giải quyết vấn đề rõ ràng và dứt khoát thì tờ báo này lại “tích hay diễn mãi”, đăng đi đăng lại, bới móc đời tư của ông X và thậm chí là những người liên quan. Mục đích của việc này là tố cáo những hành vi sai phạm của ông X, câu kéo dư luận tăng lợi nhuận hay vì tư thù cá nhân thì chưa rõ, nhưng hệ quả ngay trước mắt là khiến dư luận rối loạn, hoang mang. Chưa kể, nếu phải tiếp xúc liên tục với những kiểu thông tin như thế, sẽ định hình cho người đọc cái nhìn tiêu cực về xã hội, bình thường hoá cái xấu, tối giản cái tốt.
Như vậy, há chẳng phải báo chí đã tuyên truyền, cổ xuý cho cái xấu, cái ác ư? Hiện tượng này có thể coi như một sự thoái hoá, biến chất của báo chí. Thay vì làm đúng bổn phận phản ánh sự thật của một tấm gương phẳng, những nhà báo này lại biến mình thành tấm gương cầu lồi hoặc lõm, phóng đại hoặc thu nhỏ sự thật tuỳ theo động cơ cá nhân. Thay vì trau dồi đạo đức, nghề nghiệp theo đà tiến lên của xã hội, vô hình dung họ đi thụt lùi, về lại vị trí của thằng mõ làng chỉ biết nói để kiếm miếng ăn. Thực chất, tình trạng này phản ánh sự lệch lạc trong quan điểm, cách nhìn nhận của một số nhà báo.
Thứ 1, họ không nhìn nhận mình như tiếng nói của công lý mà tự cho mình chính là công lý, nghĩa là mình nói gì cũng đúng.
Thứ 2, họ không nhìn nhận đối tượng mà mình nhắm đến là những «bệnh nhân» cần chữa trị mà là kẻ thù phải tiêu diệt.
Thứ 3, họ không nhìn nhận dư luận là người được hưởng lợi ích từ ngòi bút của mình mà như cái loa phóng đại lời họ nói, đem lại lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Nếu trung thành với bản chất của mình, báo chí không có bạn, cũng không có thù. Thân ai thì bênh vực, giấu giếm, khuếch trương mà đánh mất đi sự chí công, vô tư. Thù ai thì cáo buộc, gây sức ép, đánh cho “không còn manh giáp” mà mất đi tính nhân văn và tinh thần xây dựng lợi ích chung. Chung quy lại chỉ vì một chữ lợi mà mất đi niềm tin của cộng đồng. “Một lần mất tin, vạn lần mất tín”, quyền lực của báo chí từ nhân dân mà ra, cũng có thể bị nhân dân lấy lại là vì thế!
Để quyền lực của báo chí không bị lạm dụng, vấy bẩn, người làm báo phải xác định được tôn chỉ, lập trường hành nghề của mình. Bác Hồ nói: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn, cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang”.
Như vậy để thấy, người làm báo phải xác định mình không phải là thằng mõ mà là người vác tù và hàng tổng. Có nghĩa là nhà báo không lụy ai, “theo” ai mà phải có lập trường khách quan, kiên định, làm việc vì lợi ích chung. Trước khi định hướng dư luận, người làm báo phải tự định hướng được bản thân, xác định mình đang ở vị trí nào, cần đi đến đâu, thì mới tiên phong dẫn đường được cho xã hội. Đây là tính “cần” của báo chí mà Bác Hồ đề cập đến (bên cạnh tính “có”): “Khi không có gì cần nói, cần viết, chớ nói, chớ viết”. Phải hiểu, “cần” ở đây là ai cần, cần gì? Là dân cần, cần khen để phát huy, cần chê để sửa chữa hay là mình cần, cần đưa tin giật gân để bán báo, cần hăm doạ ông X, bà Y để trục lợi?
Chung quy lại, làm báo không chỉ cần đến ngòi bút sắc bén mà còn cần cái tâm sáng để viết lên tờ giấy dư luận. “Có đức mà không có tài là người vô dụng, có tài mà không có đức là kẻ tiểu nhân”, thiếu 1 trong 2 phẩm tính hoặc nguy hiểm hơn là thiếu cả 2 đều là mối nguy lớn cho xã hội! Từ góc nhìn của người trong cuộc, nhà báo Hữu Thọ nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân gói gọn những phẩm tính người làm báo phải có trong 6 chữ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Điều này thể hiện tầm nhìn khái quát, tinh thần chí công vô tư của người trên cương vị chèo lái một tờ báo. Đây là tấm gương mà báo giới nói chung và những người đứng mũi chịu sào cho các cơ quan ngôn luận nói riêng phải khắc cốt ghi tâm. Nói cho cùng, làm việc gì cũng cần có tâm, nhưng với một nghề nghiệp mà phạm vi ảnh hưởng rộng khắp, sâu sắc đến cộng đồng như nghề báo thì không có tâm cũng như “giết người không dao”, nguy hiểm vô cùng.
Trong một cuộc họp với báo giới, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An Tô Hồng Hải phát biểu: “Tờ báo hay cần cái tâm của người Tổng biên tập”. Đây là lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh tỉnh một số tờ báo, cơ quan ngôn luận đang đi chệch khỏi tôn chỉ hoạt động để chạy theo thị hiếu thị trường và chủ nghĩa cá nhân.
“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
Hải Triều