(Baonghean) - Gần đây, nguyên Phó Thủ tướng Trần Công Tạn và một vài chuyên gia nông nghiệp nêu ý kiến cho rằng nước ta nên giảm khoảng 2 triệu ha diện tích đất trồng lúa, tức là giảm một nửa số diện tích đang trồng lúa hiện nay. Các lý do nguyên Phó Thủ tướng và các chuyên gia nêu ra là:
- Giá lúa gạo thấp, nông dân không thể làm giàu, nếu chỉ độc canh cây lúa.
- Bớt “cung”, tăng “cầu”, hy vọng giá lúa sẽ tăng gấp đôi.
- Phần diện tích giảm từ việc trồng lúa sẽ trồng ngô, đậu tương để không nhập khẩu ngô, đỗ tương của nước ngoài. Đồng thời, số đất còn lại sẽ trồng hoa, trồng cây cảnh và các loại cây ăn quả có hiệu suất kinh tế cao hơn việc trồng lúa, nhằm mục đích tăng thu nhập cho nông dân, làm giàu cho đất nước.
- Số diện tích còn lại vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Vậy là, những câu hỏi lớn, rất quan trọng đã được đặt ra, buộc chúng ta phải suy nghĩ thận trọng để có câu trả lời chính xác, nếu không muốn hành động theo kiểu “sai một ly, đi một dặm”. Có chắc chắn là việc chuyển đổi 2 triệu ha ruộng nước trồng lúa đã nghìn đời nay sang trồng các loại cây khác sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn hay không? Giá lương thực thấp, tại sao vẫn có nhiều nước, trong đó có cả nước Mỹ vẫn đang quyết tâm cạnh tranh vào tốp quốc gia hàng đầu trong việc xuất khẩu gạo? Hay là, kỹ thuật sản xuất, kỹ nghệ chế biến, khả năng giao dịch của chúng ta còn có vấn đề, đang bị hạn chế ở mặt này, mặt khác trong việc xuất khẩu hàng hóa? Chúng ta nên tìm hiểu những điều đó thật kỹ càng trước khi kết luận vấn đề.
Trước hết, ta thấy rằng việc chuyển 2 triệu ha ruộng nước thành ruộng khô, ruộng cao để trồng hoa, trồng cây ăn quả là điều không dễ, chắc chắn sẽ rất tốn kém tiền của. Thứ nữa, ai bảo đảm cho việc trồng hoa, trồng cây ăn quả có thể bán được trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu? Chúng ta đã đủ sức để mang hoa của Việt Nam ra cạnh tranh với hoa của Hà Lan, Bungari trên thị trường thế giới?
Bài học Nga Sơn rất nên được các nhà nông học suy ngẫm: Ở Nga Sơn (Thanh Hóa), ai cũng biết, cùng một diện tích thì trồng cói có hiệu quả kinh tế ít nhất là gấp 5 lần trồng lúa. Nhưng ngay ngày hôm nay, nông dân Nga Sơn đang phải nhổ cói để trồng lúa, nghị quyết Huyện ủy Nga Sơn cũng ghi rõ như thế! Tại sao vậy? Tại vì chiếu cói và các đồ mĩ nghệ xuất khẩu làm từ cây cói đang bị ách tắc, hàng hóa không bán được! Đại diện của Huyện ủy Nga Sơn nói rằng “lúa không bán được thì ăn hoặc chăn nuôi, chứ cói không bán được thì còn mất thêm công đem đốt!”. Thật là chí lý! Không biết cái đề xuất đem những 2 triệu ha ruộng nước trồng lúa ra để trồng hoa, trồng cây cảnh xuất khẩu của Phó Thủ tướng và các chuyên gia nông nghiêp có mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn cho người nông dân, hay lại lâm vào cái cảnh như cây cói xuất khẩu đang kêu cứu ở huyện Nga Sơn?
Còn chuyện giảm diện tích trồng lúa để đưa giá lúa gạo tăng cao gấp đôi, có dễ dàng như các chuyên gia phát biểu đó không? Một nhà nông học gần đây nói trên VTV1 rằng, nếu giá lúa gạo tăng gấp đôi thì người nông dân lại đổ xô vào sản xuất lúa gạo, nên số diện tích trồng lúa lại trở về như cũ, biện pháp thu hẹp diện tích sẽ bị vô hiệu hóa?!
Bây giờ ta nói đến giá bán gạo của Việt Nam. Không chỉ gạo, cà phê, cao su, hạt điều… nói chung là sản phẩm nông nghiệp của ta luôn có giá bán thấp hơn giá trên thị trường thế giới. Người sản xuất mà đem hàng hóa ra bán rẻ, bán lỗ thì làm sao mà giàu lên được. Nhưng muốn bán gạo cho đúng giá trên thị trường thế giới, vấn đề lại không ở chỗ Việt Nam phải giảm diện tích trồng lúa! Phải chăng, giá gạo Việt Nam thấp còn có lý do ở các khâu sản xuất, chế biến, tiếp thị, bán hàng?
Chưa có sách vở nào nói rằng hễ cứ làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sản xuất lương thực, thì người sản xuất phải nghèo! Người viết bài này may mắn có cuộc nói chuyện trực tiếp với một vị giáo sư người Mỹ, anh Lari Rosman, Trường đại học Chicagô và biết, nông dân ta nghèo, chủ yếu là do người nông dân của ta sản xuất canh tác trên một diện tích quá nhỏ, không bằng 1% số diện tích một người nông dân Mỹ sản xuất. Số ruộng đất do một gia đình nông dân Mỹ canh tác bằng hoặc lớn hơn số ruộng đất của cả làng, thậm chí là cả xã nông dân ta sản xuất. Vậy, họ giàu hơn ta cũng là điều hợp lý!
Anh Lari còn cho rằng, người Mỹ không bao giờ từ bỏ cạnh tranh sản xuất nông nghiệp trên thị trường thế giới, kể cả sản xuất lương thực như ngô, gạo, bột mì. Nói thế để biết, nông dân ta nghèo không phải do việc sản xuất gạo, mà chủ yếu là do diện tích canh tác của gia đình nông dân Việt Nam quá ít, quá nhỏ, so với bình quân ruộng đất của nông dân các nước khác. Và hơn nữa, trong việc sản xuất và cạnh tranh trên thị trường lúa gạo chúng ta còn nhiều bất cập. Điều này đang được khắc phục dần dà bằng tiến trình CNH - HĐH nền sản xuất của đất nước, không thể nóng vội mà tiến lên ngay được!
Thận trọng trước đề xuất giảm 2 triệu ha diện tích trồng lúa
Thạch Quỳ (Thành phố Vinh)