(Baonghean) -Việc Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cử bảy đoàn công tác tới một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã và đang được nhân dân cả nước  hết sức chú ý dõi theo.

Âm hưởng chung là phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng. Bởi sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà trọng tâm là đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được làm rõ và có các biện pháp khắc phục cụ thể.

Đi cùng với đó, một số vấn đề bức xúc của nhân dân đã được các các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương quan tâm giải quyết có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa thật sự đáp ứng được đầy đủ như kỳ vọng của đông đảo quần chúng nhân dân vì một số vụ việc sai phạm lớn ở một số tỉnh, thành phố, ngành, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về nhiều mặt vẫn chưa được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể.

Vì thế, khi biết bảy đoàn công tác này sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát từ 15/8 đến ngày 30/9 và kết quả kiểm tra, giám sát sẽ được báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo để trình Bộ Chính trị trước ngày 30/11. Nhiều người coi đây là bước tiếp tục cụ thể hóa phần việc đã được đề ra trong  Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng là “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm”.

Kỳ vọng là thông qua công tác kiểm tra, giám sát sẽ  phát hiện hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra vụ việc, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của các cơ quan chức năng; những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đặt niềm tin vào bảy đoàn công tác này, nhưng cũng còn không ít những băn khoăn, lo lắng.  Vì bắt được tham nhũng đã khó, xử lý tham nhũng còn khó hơn. Bởi trong thực tế đã có không ít đoàn công tác khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ra không ít cá nhân, tổ chức có sai phạm, nhưng khi xử lý lại cả nể, duy tình theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ” cho nên việc xử lý chưa quyết liệt và thiếu dứt điểm.

Bên cạnh đó, tham nhũng như cuộn chỉ rối liên kết với nhau qua ba đường, bảy mối kết nối từ ngoài đời cho đến trong bộ máy công quyền; từ thôn lên đến xã, phường, từ phường lên quận, huyện, rồi từ quận, huyện lên tỉnh tới T.Ư. Vì vậy, phát  hiện và xử lý tham nhũng không dễ dàng gì. Không dễ, nhưng không phải là không làm được, nếu các thành viên của đoàn công tác làm việc công tâm và có đủ dũng khí,  bản lĩnh cùng sự khôn khéo để vượt “sóng to, gió lớn” và cả những “cạm bẫy ngọt ngào” nhưng vô cùng hiểm độc. Phải công tâm thì mới phát  hiện được tham nhũng. Nhưng phát hiện được rồi mà chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc”,  xứ lý thiếu quyết liệt thì hiệu quả cũng sẽ không cao. Đã “nhổ cỏ” là phải nhổ tận gốc, nhổ hết tất cả những gì được coi là “cỏ”.

Công tâm, bản lĩnh và hiệu quả đó là những gì mà cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đang trông đợi ở hoạt động của bảy đoàn kiểm tra kỳ này.


Duy Hương