(Baonghean) - Các nhà lịch sử, các chuyên gia, các nhà quản lý và cả bạn bè quốc tế đều đánh giá Vinh có nhiều lợi thế trên hành trình phát triển. Một vị trí đã từng được chọn lựa làm Kinh đô trong lịch sử của một Hoàng đế tài ba, vị trí  chiến lược trong thời kỳ Pháp thuộc và vị trí trung tâm của Bắc Trung Bộ ngày nay. Đó chính là cơ hội để  Vinh làm rạng rỡ thêm cho quê hương Nghệ An…

50 năm anh dũng tự hào

…Ngược dòng lịch sử, dưới thời thịnh trị của kỷ nguyên Đại Việt, Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã cho vẽ lại bản đồ đất nước và cho xây dựng tại làng Vĩnh Yên trên bờ sông Vĩnh Giang ( sông Vinh ngày nay)  của tổng Yên Trường thuộc huyện Hưng Nguyên một doanh sở quân sự gọi là Vĩnh Doanh, như là tiền đồn của trấn Nghệ An. Vĩnh Doanh ngày càng có vị thế và phát triển, cùng với Lam Thành, Vĩnh Thị (chợ Vinh)… Cuối thế kỷ XVIII, Hoàng đế Quang Trung đã chọn Vĩnh Doanh kiến lập Phượng Hoàng Trung Đô, tạo nên một dấu ấn lịch sử mà theo nhà sử học Chu Trọng Huyến thì “khiến chúng ta  đời đời phải nghĩ suy”.
 
Những mốc  son đó của lịch sử cùng với con mắt tinh tường của người Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất đã tạo cho Vinh từ một trung tâm thương mại trở thành một đô thị công nghiệp với nhiều nhà máy có qui mô ở vùng Bắc Trung bộ. Ngày 10/12/1927, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định  thành lập Thành phố Vinh - Bến Thủy. Vinh đã có hàng vạn công nhân làm việc trong hàng chục nhà máy lớn: nhà máy sửa chữa xe lửa,  nhà máy diêm, cưa, nhà máy điện, Vinh đã có đường ray xe lửa, có cảng Bến Thủy là một trong những cảng lớn của Đông Dương thời bấy giờ. Tên tuổi của Vinh đã được ghi vào bộ Bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới của Pháp và Hoa Kỳ.
 
Cũng là lẽ đương nhiên khi nơi đây là một trong những ngòi nổ đầu tiên của cách mạng Việt Nam chống lại chế độ áp bức bóc lột dã man của kẻ thù. Cao trào cách mạng 1930-1931 của Xô viết Nghệ - Tĩnh,  những cuộc đấu tranh anh dũng  của công nhân Trường Thi, Bến Thủy, phong trào “Làng đỏ”, phong trào “Tiêu thổ để kháng chiến”… mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc như một khẳng định: Con người nơi đây cách mạng, kiên cường bất khuất, đi đầu dậy trước! Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi Đảng bộ, quân và dân thành phố: “Ngày 14/9/1966, Vinh là thành phố đầu tiên bắn rơi 100 máy bay Mỹ, đó là một thắng lợi vinh quang”! Ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Quyết định thành lập Thành phố Vinh,  một trong 5 thành phố công nghiệp của miền Bắc.
 
Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, của Bác Hồ, sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Vinh lại làm nên những huyền thoại trong chặng đường xây dựng lại thành phố sau hai lần tàn phá của kẻ thù. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là nơi có bề dày về truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, tinh thần lạc quan, kiên cường của người dân Thành phố Đỏ. 50 năm anh dũng, tự hào đã qua, Vinh đã là một  thành phố được công nhận là đô thị loại 1, được Thủ tướng phê duyệt phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Dấu ấn đó, cơ hội đó đang chắp cánh cho Vinh rộng dài trên con đường phát triển…
 
images904877_toan_canh_tp.jpgCông viên Trung tâm TP. Vinh. Ảnh: Sỹ Minh
 
Rộng dài đường phát triển
 
Trong bức tranh đa sắc màu hôm nay, Vinh đang được biết đến với nhiều công trình lớn có giá trị lịch sử và đậm dấu ấn của thành phố trên quê hương Bác như: Núi Dũng Quyết, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Quảng trường Hồ Chí Minh, Tượng đài Công nông binh Bến Thủy,  Bảo tàng Quân khu 4, Bảo tàng  Xô viết Nghệ - Tĩnh, Công viên thành phố,  Bưu điện thành phố, Chợ Vinh,  Trường Đại học Vinh, Tòa nhà Dầu khí, Tecco Tower, Khách sạn  5 sao Mường Thanh Bông Sen... Mỗi một công trình kiến trúc ở Vinh có thể chưa hoành tráng, chưa mỹ miều nhưng là những hình ảnh gợi nhớ về Vinh rất đỗi tự hào, khiến bạn bè ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… qua Vinh đều thán phục. Sân bay Vinh có tốc độ tăng trưởng lớn nhất của cả nước với hàng chục chuyến bay mỗi ngày.  Chỉ cần lên núi Dũng Quyết để ngắm thành phố trong bình minh dưới sắc hồng ngói mới cũng đã yêu mến lắm thành phố này. Không đâu như nơi đây, thành phố được bao bởi núi, bởi sông, núi hào hùng và sông chan chứa, để rồi trong tương lai theo qui hoạch mới, Vinh còn là thành phố  biển mà Cửa Lò là một đô thị trong lòng thành Vinh.
 
Vinh đang có một diện mạo mới, sức sống mới của một đô thị trẻ đang phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và hào sảng như cốt cách của người Vinh vậy.  Sức sống ấy không chỉ thấy ở nội đô, nơi dày đặc những cửa hàng, cửa hiệu, những nhà hàng, quán cà phê rực rỡ, những tòa nhà ngày một cao lên, dòng xe cộ tấp nập… Sức sống ấy là sự hòa mình của biết bao người từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa bởi yêu Vinh mà trụ lại trên quê hương này. Xóm tôi có bí thư xóm là người Thanh Hóa, nhưng không một cuộc vui, chuyện buồn nào của người dân mà ông không có mặt động viên, lo liệu. Xóm tôi có bà xóm trưởng là Việt kiều từ Thái Lan về, vẫn cương trực, tận tâm với việc làng.
 
Sức sống của thành Vinh còn lan tỏa đến vùng ngoại thành, nơi vẫn xanh thắm những đồng lạc, ruộng rau, rộn rã vuông tôm, ao cá.  Đã thấy nhiều nơi nông dân bỏ ruộng vào Nam mưu sinh, nhưng nông dân Vinh Tân, Nghi Phú, Hưng Hòa, Hưng Chính, Nghi Kim, Nghi Ân …  vẫn thao thức với lúa, với hoa và rau. Trong tờ mờ sương sớm họ đã ra đồng, tối mùa đông cần mẫn thắp đèn cho hoa nở. Bao ước mong từ đất đã không phụ công người khi những làng hoa, làng nghề đang được biết đến. Đất đai có thời sốt cao, không ít người vẫn giữ đất cho con cháu làm ăn.  Khi  thấy một gia đình ở Hưng Hòa có hàng ngàn mét vuông đất trong vườn, tôi hỏi bà cụ chủ nhà: “Sao cụ không bán bớt để làm lại nhà cửa”. Cụ cười: “Đất của tổ tiên để lại, giữ cho con cháu sau này, mình đã giữ được thì con cháu cũng giữ được”. Cụ chỉ ra vườn nơi có vườn rau đang lên xanh và kế bên là đàn gà cả ngàn con: “Thu nhập của gia đình là ở đó. Bán đất rồi thì còn đâu”. Thì ra, không phải  ai cũng hám tiền hám lợi, vẫn còn đó một nét cốt cách, một tinh thần Nghệ! Những cánh đồng tôm, đồng cá cũng có khi buồn vì cơn sốt đô thị đến rồi đi. Nhưng trong thẳm sâu, nông dân Thành phố Vinh vẫn ước ao giữ được đất đai để có hướng làm ăn bền vững. Ở Hưng Hòa, một trong những rốn lũ của thành phố nay đã có  đê chắn sóng bảo vệ cho đồng tôm, ruộng lúa. Nông dân Hưng Hòa phấn khởi đầu tư mở mang gia trại, trang trại.
 
Các xã ngoại thành của Vinh không chỉ làm cho thành phố rộng dài mà còn là vệ tinh cung cấp dịch vụ, lương thực, thực phẩm cho thành phố. Nghi Phú nằm ở phía Đông Nam, cửa ngõ của Thành phố Vinh, có lợi thế Quốc lộ 46 đi qua, nằm giữa đại lộ 3/2 và sát với sân bay Vinh,  trước đây là một xã ngoại thành nhưng nay thật khó nhận ra Nghi Phú xưa bởi những dãy biệt thự, nhà tầng khang trang của cư dân ngoại thành trên bước đường đô thị hóa. Dọc  đường Trương Văn Lĩnh, bên cạnh các khu đô thị mới khá sầm uất là khung cảnh khang trang của  gia đình các hộ dân Nghi Phú gốc. Đường ngang, ngõ dọc ở Nghi Phú được bê tông hóa sạch đẹp. Nhiều gia đình giáo dân năng động làm ăn, phát triển kinh tế và  hiến đất làm đường trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ở Nghi Ân, vùng đất sản xuất rau an toàn của thành phố là những xóm Kim Bình, Kim Tân  đang được  hỗ trợ của khoa học kỹ thuật và cơ chế chính sách của thành  phố để xây dựng vùng rau VietGap.  Sản xuất rau màu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia cầm  hàng hóa đang là thế mạnh của Nghi Ân…
 
Năm 2013, Thành phố Vinh đã qua 7 năm thực hiện Quyết định 239/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ với nhiều kết quả đáng mừng: Đã có 4 đề án được hoàn thành, 12 đề án đang được triển khai thực hiện. Thành phố đã chú trọng qui hoạch  xây dựng các xã mới sáp nhập vào thành phố, qui hoạch  nông thôn mới ở 9 xã ngoại thành, Công viên Thành cổ Vinh, Lâm viên núi Quyết, du lịch ven sông Lam, các cụm công nghiệp, các khu tái định cư trên địa bàn, các nút giao thông, cầu vượt, bãi đỗ xe, cả bãi đỗ xe ngầm, hoàn thiện  dữ liệu về đất đai, nâng cao năng lực quản lý vệ sinh môi trường vì  thành phố xanh - sạch - đẹp.
 
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế thành phố  giai đoạn 2006-2010 đạt 15,1%, giai đoạn 2011-2012 đạt 8%. Thành phố đã  phát triển các  dự án công nghiệp công nghệ cao như Nhà máy bao bì Sông Lam, Nhà máy dầu Vinh, Nhà máy Bia Rú Mượu, Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan, gạch Grannit Trung Đô… Ngoài Khu công nghiệp Bắc Vinh,  còn có nhiều cụm công nghiệp nhỏ như: cụm công nghiệp Đông Vĩnh, Nghi Phú, Hưng Lộc. Thương mại dịch vụ là một thế mạnh của thành phố với hàng loạt các trung tâm qui mô như: Siêu thị Big C, Vicentra, Siêu thị Intimex, Siêu thị Metro…  
 
Hiện Vinh đã có thêm nhiều tuyến giao thông huyết mạch: Đại lộ 3/2, đường Nam Cấm - Cửa Lò, đường ven sông Lam, đường Trương Văn Lĩnh - Cửa Lò, mở rộng đường Vinh - Cửa Hội, đang thi công đường Lê Mao nối dài, đường trục chính các xã Nghi Kim, Nghi Liên, nút giao thông Quán Bánh, Quán Bàu; cải tạo, nâng cấp Kênh Bắc, Sân bay Vinh, nâng cấp Ga Vinh thành ga loại 1. Cầu Bến Thủy 2 đã hoàn thành, Cảng Bến Thủy đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển cảng hàng hóa Bến Thủy thành cảng du lịch… Vinh nay đã là trung tâm giáo dục đào tạo quan trọng của cả nước với 5 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp dạy nghề, giáo dục thành tích cao nhiều năm liền nổi tiếng trong cả nước. Vinh cũng là trung tâm y tế của vùng với nhiều bệnh viện lớn. Số xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế 100% từ năm 2009, tỷ lệ số giường bệnh đạt 92 giường/vạn dân.
 
Năm 2013, trong điều kiện khó khăn chung của thế giới và trong nước, kinh tế thành phố tiếp tục có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 7,6%/ KH 8-9 %, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ tăng từ 61,8% lên 63,5%, nông nghiệp giảm từ 1,82% xuống 1,74%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 59,5 triệu đồng/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 9.752 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thành phố đã lãnh đạo xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay đã có 2 xã đạt 17 tiêu chí, 4 xã đạt từ 14 đến 16 tiêu chí nông thôn mới.  Đảng bộ  thành phố năm 2013 đạt Trong sạch vững mạnh.
 
Vinh đang thay đổi từng ngày trong nỗ lực cố gắng của mỗi người dân và sự quan tâm sát sao của Trung ương, của tỉnh. Riêng  năm 2013, nhân dân thành  phố  góp được 13,1 tỷ đồng bằng tiền và 7.020 ngày công, hiến 6.780 m2  đất, tương đương 4 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Mùa xuân mới lại về trên Thành phố Đỏ anh hùng với khát vọng ngày mai rộng dài hơn, hiện đại hơn...
 
Châu Lan