(Baonghean) - Cư ngụ hay làm việc trên con phố này, hẳn ai cũng cảm ơn phố cho mình một không gian phố phong quang và mơ màng đến thế. Một quán nước chè nhỏ, một hàng bánh mướt sáng, góc cà - phê vừa chớm rêu phong lớp mặt đá ong... làm nên hồn của phố mới. Đường An Dương Vương được coi là một trong những tuyến đường trẻ của TP. Vinh kỳ vọng sẽ là một con phố rõ nét văn minh...
 
images911835_4b.jpgMột quãng phố mới trên đường An Dương Vương (Thành phố Vinh).
 
 
Nối đường Trường Thi và đường Phong Định Cảng, đường được mở rộng rãi xuyên thẳng giữa phường Trường Thi từ Quảng trường Hồ Chí Minh xuống phía Đông, được ví như con đường đón ánh dương ban sớm vậy. Phố chưa có cái đông đúc náo nhiệt, hàng cây vỉa hè đang tuổi ứ nhựa lớn và mặt phố chủ yếu là hàng rào sân vận động phường, các công sở hay lác đác tường nhà khu dân cư cũ chưa kịp giải tỏa để xây dựng phố mới, nên không gian đường có cái thoáng đãng như một đại lộ chính của thành phố. Thế nên, dù mùa đông hay mùa hạ, khi mặt trời vừa ló dạng đằng Đông, đi trên đường An Dương Vương đều thấy ánh lên sắc hồng trên mặt láng nhựa phẳng lỳ; cứ chú mục vào khung cảnh đường thẳng thớm ấy, lắng nghe cái lao xao phố mai ở những hàng cà phê, quà sáng, hay xuôi chút nơi cắt đường Võ Thị Sáu chạy từ Nhà máy Bia Vinh vào có mấy rặng cây khuất lấp mái nhà cũ lúc nào cũng líu lo tiếng chào mào, họa mi... bạn sẽ góp nhặt được một niềm vui nho nhỏ.
 
Chỉ mới đầu những năm 1990, đường An Dương Vương còn là một lối phố nhỏ rải cấp phối được định giới bằng hai hàng phi lao còi cọc và cũng chỉ dài từ đường Võ Thị Sáu hất lên chỗ Công sở phường Trường Thi bây giờ. Chỗ cắt đường Nguyễn Xí chạy qua Kênh thoát nước số 3 lúc ấy đang là một con cầu sắt nhỏ. Và, đoạn từ đường Võ Thị Sáu xuống bắt vào đường Phong Định Cảng đang là khu ruộng lúa lẫn nghĩa địa, sau đó là đất phân ở tạm của tập thể Đoàn Dân ca Nghệ An và Nhà máy Bia.
 
Cho đến nay, đường rộng nhưng phố chưa định hình được quy chuẩn kiến thiết hai bên mặt phố, ngoài việc chưa giải toả xong quãng giữa từ đoạn cắt đường Nguyễn Xí đến đoạn cắt phố đường Võ Thị Sáu thì còn một lý do là hai bên đường còn có công sở và cả trường học, trung tâm đào tạo chưa chọn được nơi tái xây dựng. Đồng thời có lẽ cũng vì thế, mà đường nay khó để xây dựng phố chuyên doanh. Ngoài một vài cửa hiệu thẩm mỹ, ảnh viện, thì phố nay mới chỉ lác đác vài hàng cà phê, quán ăn, cinema 4D... Nhưng dù có mở ra rồi nhanh chóng đóng cửa, hay cứ tồn tại thế đã hàng chục năm, thì bất cứ hàng gì mở ra ở đây cũng đều được người bốn phía phố phường nhanh chóng biết tới và nhắc nhớ. Ví như hàng cháo lươn Việt Hiền nằm đối diện sân vận động phường Trường Thi, được coi là nhà hàng cháo lươn đầu tiên của phố, mở ra tính đến nay hàng chục năm, cách nấu cách phục vụ chẳng đổi, khách cũ nhiều người đi, khách mới lại đến, cứ tự nhiên thế không vơi đi cũng không nhiều thêm. Người hạp món lươn có thể tới đây ăn 15 ngày/tháng. Có lẽ vì vậy nên sau này khi trương lại biển hiệu đã “chua” thêm một câu “món lươn truyền thống”...
 
Hay như, chỗ số nhà 18 dãy liền kề mặt Nam phố trước có người mở cà phê được thời gian ngắn vắng khác phải chuyển đi, người mới đến chẳng ngại vẫn mở cà phê rồi chưa ngót năm cũng chuyển. Thế nhưng, người thứ 3 đến thuê vẫn cứ mở cà phê... Chẳng biết ra sao, hỏi chủ cà phê treo biển Thảo Mộc bây giờ, được cho biết là điểm này nhà này, trông phong thủy cũng như khung cảnh phố, rất hạp cho hàng cà phê, đó là chưa hạp mạng chủ mà thôi! Hư thực “tín ngưỡng làm ăn” ra sao chả biết, nhưng có điều lạ là kẹp hai bên nhà ấy, có hàng nước chè đâm bình dân cốc hai ngàn đồng, hay cà phê cinema 4D suất dăm, bảy chục ngàn thì cũng đều kín khách mỗi tối.
 
Bên nhà 18 mặt Nam là nhà hàng tạp hóa đêm bán giải khát chè đâm, lời lãi bao nhiêu không biết nhưng vào mùa hạ cứ sau cứ bữa tối là khách đến ngồi la liệt vỉa hè. Chè đâm là nước tinh chiết ra từ chè xanh được giã nhỏ; mà chủ nhà cho rằng không phải cối nào chày nào cũng giã ra chè ngon; muốn ngon thì phải tìm chày đá từ khe suối rừng sâu, cối làm từ ống bương tươi mấy ngày thay một chiếc. Thì cũng chả ai được thấy nhà ấy giã chè bao giờ, nhưng đêm đêm đến gọi cốc chè đâm thơm ngái, bỏ đá lạnh mát rượi, thì cũng đều tự thốt lên cảm khoái là: ngon - mát – bổ! Cái quán cóc chè đâm An Dương Vương ấy, mọc lên chỉ trong một mùa hè, mà đã nhanh chóng có tiếng, khách đến uống đủ hạng từ trí thức đến thợ thuyền, học trò đến mấy bác hưu trí đi bộ đêm từ Quảng trường ghé về...
 
Râm ran thế nhưng mới rồi lại đột ngột bỏ, để không ít người ở phố hẫng đi... Đối diện hàng chè đâm có cà phê Lăn Trầm được coi là một sáng tạo phố ở cả không gian cũng như cung cách phục vụ. Quán nhỏ xíu xây lộ mặt đá ong gạch cháy, bàn ghế giản dị nhưng rất hút khách, nhiều bạn trẻ từng đến đây xin được chọn làm hậu cảnh chụp ảnh cưới. Quán độc đáo còn có thể đây là nơi tụ tập của cánh chơi xe mô tô Minsk cổ, hay có nhóm CLB ảnh xứ Nghệ được mến mộ bởi nhiều hoạt động thiện nguyện thời gian qua? 
 
Ấy, phố rộng rãi hứa hẹn phát triển mà chỉ vài hàng thức uống đơn giản thế để được nhắc tên. Hai bên mặt đường khu dân cư chủ yếu là công chức, nhà phần lớn xây kiểu vi-la, biệt thự; đường nhánh mở vào cũng chằn chặn đâu ra đấy, nên nói xu hướng phố sẽ dần rõ lên nét văn minh trong tốc độ kiến thiết hiện đại có phần xô bồ của TP. Vinh cũng là ở sự êm đềm, quy củ ấy. Kiến trúc phố của đường An Dương Vương còn có nét lạ là nếu bên mặt này là công sở thì bên kia sẽ là nhà dân; so le thế đến mút hai đầu đường. 
 
Có người nói, đường An Dương Vương của phố Vinh nay, khoác lên mình một vẻ mơ màng và ngập ngừng phố mới hiếm có; là bởi được vận vào huyền sử thú vị về một ông vua của nước Việt cổ đã gây nhiều tranh cãi trong giới sử học cũng như cảm hứng độc đáo cho nhiều sáng tác văn chương trong câu chuyện cảnh giác về tình yêu và huyền thoại lông ngỗng – giếng ngọc. Tôi thích cái chữ “mơ màng phố” bởi những ấn tượng ban mai ngay nắng nháng hồng mặt phố viền bóng người lại qua trong những lãng đãng sương trên đường An Dương Dương bất kể mùa...
 
Đình Sâm
 
Theo dã sử và truyền thuyết, An Dương Vương có tên thật là Thục Phán, là vị vua lập nên nước Âu Lạc - nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang đầu tiên của các Vua Hùng. Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng thời gian An Dương Vương làm vua kéo dài 50 năm, từ 257 TCN đến 208 TCN. Các sử gia hiện đại căn cứ vào Sử ký Tư Mã Thiên là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, cho rằng An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN, tức là gần 30 năm. Thục Phán khi  tự xưng là An Dương Vương đã đóng đô tại Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh-Hà Nội)
 
Theo cuốn Lịch sử Việt Nam (Viện sử học - 1991) thì năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng (hoàng đế thống nhất Trung Hoa thời Chiến quốc) huy động 50 vạn quân chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt. Sau gần 10 năm kháng chiến, nhân dân Âu Việt - Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của Thục Phán giành được độc lập. Thục Phán củng cố và xây dựng lại đất nước, cho xây thành Cổ Loa... Ít lâu sau, Triệu Đà từ quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) sang đánh Âu Lạc, dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình, là Trọng Thủy và con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi nắm được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà đã thành công trong việc chinh phục Âu Lạc, buộc An Dương Vương bỏ chạy vào Nghệ An và tự tử (ở vùng Cửa Hiền-  Diễn Châu).
 
Về năm mất của An Dương Vương, các tài liệu ghi chép khác nhau. Đa phần sách sử Việt Nam (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử Tiêu án) đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN. Sách giáo khoa của Việt Nam căn cứ vào Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi nước Âu Lạc mất năm 179 TCN.