(Baonghean) - Ngày cuối năm, tôi về Quỳnh Đôi khi khắp các ngõ làng đang náo nức không khí đón Tết nguyên đán. Chắc cái làng quê chen dày mật độ những đình làng, nhà thờ họ này sẽ phong phú những sinh hoạt đậm nét cổ truyền của một trang ấp nổi danh ở xứ Nghệ...

Thổ Đôi trang còn đó thế đất thanh bình, đậm chất thôn quê với đình làng trầm mặc. Dễ đã có ngót hàng nghìn bài viết, hàng trăm đầu sách nhắc về mảnh đất khoa bảng thuộc hàng đệ nhất nước Nam từ thời còn sở học phong kiến này. Sách viết “Từ xưa, người dân làng Quỳnh Đôi đã luôn coi trọng việc học, dù nghèo đói vẫn quyết học chữ thánh hiền. Người xưa kể rằng, ở làng Quỳnh Đôi có nhiều người bắt đom đóm làm đèn, học dưới ánh trăng, nhiều người phải hái rau má nấu canh ăn trừ bữa để đi học”. Tôi vào nhà cụ Phan Hữu Thịnh  87 tuổi, ở xóm 4, Quỳnh Đôi. Người cán bộ  hưu trí làng Quỳnh ấy đã tham gia hoàn thành 13 cuốn sách viết về Thổ Đôi trang xưa - Quỳnh Đôi nay với sự yêu kính vô bờ nơi cố thổ. 
 
images912122___nh_l_ng_qu_nh___i.jpgĐình làng Quỳnh Đôi
 
Hóa ra cụ Thịnh là anh em họ hàng gần với thầy giáo tôi hơn hai mươi năm trước là Giáo sư, Viện sĩ Phan
Cụ Hồ Xuân Quế - Trưởng ban cán sự họ Hồ ở Quỳnh Đôi, 85 tuổi vẫn say mê tự học.

Cự Đệ (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Như một ẩn sĩ trong lều cỏ, cụ Thịnh sống thanh bạch, ngày ngày đọc sách báo, viết lách và trăn trở cho dòng chảy văn hóa Thổ Đôi trang. Hồi ức cụ trở về thuở hoa niên nhà nghèo kiết nhưng vẫn được mẹ cha cho theo học trường huyện, ngày đông tê tái cúi rơm quấn bụng, ăn thóc rang nhưng vẫn kiên trì kiếm con chữ những mong sau này mở mặt mở mày. Giữa khoan nhặt câu chuyện, cụ Thịnh bất ngờ bảo tôi: “Nói thực, người làng Quỳnh không phải là thông minh, nhưng độc đáo ở chỗ là các cụ xưa đã chọn “nghề học” để mưu sinh; nghĩa là có học không đỗ đạt ra làm quan thì cũng làm nghề dạy học, nghề thầy thuốc kiếm cơm thiên hạ.

Ông Phan Cự Đệ ban đầu ra Hà Nội làm nghề bồi bàn, kéo xe kiếm cơm, nhưng vẫn quyết chí đưa anh em ra đó để học hành, sau cả 3 anh em đều là giáo sư nổi tiếng!”. Rồi cụ nói thêm: “Cái hơn trong sự học của người Quỳnh Đôi còn ở chỗ “bách tinh hoa”, nghĩa là như con ong mật đi ra biết hút nhụy trăm hoa – cái hay cái đẹp của thiên hạ, về làm nên một nét văn hóa khoa bảng làng Quỳnh”. 

 
Trong ngôi nhà có phần giản dị của cụ ông Hồ Xuân Quế - Trưởng ban cán sự dòng họ Hồ Quỳnh Đôi, có một bàn học và nơi nào cũng ngổn ngang sách vở. Nay ở tuổi 85 cụ Quế vẫn không ngừng tự học. Năm 60 tuổi cụ mới mò mẫm học chữ Hán, nay ngày nào cũng có người trong, ngoài tỉnh đến xin chữ, chút lộc thiên hạ cũng giúp cụ đủ sống không cần đụng lương hưu. Cụ Quế chia sẻ: “Họ Hồ làng Quỳnh  xưa nay lấy chữ phong lưu làm đầu; nghĩa là làm giàu thì cũng chỉ làm đến đủ ăn chứ không quá đua chen, người cày ruộng cũng một phong thái thong dong vậy!”. Ham học như cụ nên khó thể tất cho sự học con cháu hôm nay, cụ phân vân rằng sự học của lũ trẻ bây giờ không có cái sắc sảo như xưa nữa, cho dù học trò Quỳnh Đôi nay có lực học vẫn vượt trội so với các vùng khác...
 
Men theo con ngõ nhỏ vào thăm nhà ông giáo Nguyễn Ngọc Quý, 61 tuổi, là Trưởng ban cán sự dòng họ Nguyễn ở Quỳnh Đôi. Ngôi nhà cấp 4 khá khang trang với khuôn viên cây cảnh tao nhã. Bà giáo khẽ khàng bày đĩa lạc rang và cút rượu nhỏ ra chiếu cho ông giáo tiếp khách. Gia đình ông giáo có 4 con học đại học nay đã thành đạt ra ở riêng; ông giáo ngoài việc họ đương còn tâm huyết cho phong trào khuyến học của dòng họ, của xã Quỳnh Đôi (ông đang là Phó chủ tịch Hội khuyến học của xã). Ông cho biết, riêng Quỹ khuyến học của dòng họ Nguyễn Quỳnh Đôi nay có 59 triệu đồng, các trung, tiểu chi ở dưới cũng đều lập quỹ riêng hàng chục triệu đồng cả. Nâng ly rượu quê chúc khách bước sang năm mới an khang, ông giáo thổ lộ: “Mặt trái cuộc sống bây giờ ở đâu cũng có; nhưng địa bàn tốt thì mặt trái ít, địa bàn xấu thì mặt trái nhiều. Quỳnh Đôi là địa bàn có truyền thống học hành, văn hóa thuần hậu nên có thể nói mặt trái ít hơn hẳn nhiều nơi khác. Người làng Quỳnh luôn tự hào về truyền thống Thổ Đôi trang xưa. Đâu kể họ Hồ, họ Nguyễn hay họ Hoàng, cứ đi ra đều tâm niệm quê hương là ruột thịt, sống càng có trách nhiệm với quê nhà... Chỉ tiếc lớp trẻ bây giờ thiếu sự gắn bó với quê hương, nên có phần phai nhạt đi truyền thống của cha ông”. 
 
Một thoáng Thổ Đôi trang đã cho tôi một cảm nhận mới về một vùng văn vật xứ Nghệ. Mạch nguồn văn hóa làng quê hiếu học bền bỉ được đến mai sau, chính nhờ những trăn trở lớn, hành xử làm gương của các thế hệ người làng đi trước như cụ Thịnh, cụ Quế, ông giáo Quý.
 
Bài, ảnh: Đình Sâm