(Baonghean) - Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược rừng lên huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, nơi có những đỉnh núi ngập chìm trong làn sương trắng. Từ Thị trấn Mường Xén, vượt chặng đường quanh co hơn 15 km trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, bản làng của xã Tây Sơn hiện ra với những mái ngói sa mu cổ kính nép mình trong vườn đào đang kỳ tích nhựa đơm hoa. Trên những cành đào cổ thụ, dấu hiệu của sự nảy nở, sinh sôi đã hiện hình, đem lại cho núi rừng, bản làng một niềm hy vọng mới.
 
images911838_4a.jpgVườn đào cổ thụ và mái nhà sa mu ở bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn- Kỳ Sơn)
 
Cùng với Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Na Ngoi, Nậm Càn và Nậm Cắn, Tây Sơn là một trong những “thủ phủ” của đồng bào Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn. So với những nơi khác, đồng bào Mông ở Tây Sơn vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền, mang đậm vẻ  nguyên sơ và thuần khiết. Bản Huồi Giảng 1 chỉ cách trung tâm xã chừng 2 km nhưng sẽ là một thử thách lớn đối với bất cứ tay lái hay khách bộ hành nào. Bởi lẽ, những đoạn bằng thì bùn ngập đầu gối, đoạn dốc thì trơn như vừa rải mỡ, bánh xe quay tít như chong chóng, người ngã dúi dụi... Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn cùng “ngựa sắt”, chúng tôi mới vào đến Huồi Giảng 1. Thật lạ, cảm giác mệt mỏi, lo âu trên chặng đường gian nan chợt tan biến khi được chứng kiến vẻ đẹp có thể nói ít nơi nào có được. Đó là sức quyến rũ lạ kỳ từ những vườn đào cổ thụ ẩn hiện trong làn sương mờ ảo và gợi lên một vẻ đẹp cổ kính nhưng vẫn tràn đầy sức sống. 
 
Huồi Giảng 1 có gần 100 nóc nhà, chỉ có khoảng 2-3 căn nhà lợp Pờ-rô-xi măng, còn lại đều được lợp và thưng bằng gỗ cây sa mu. Trong vườn, nhà nào cũng có cây đào cổ thụ, ít thì 3-5 cây, nhiều thì cả vườn đến hàng chục cây. Trong những ngày giá rét này, cây đào đang vươn thân cành khẳng khiu, mốc thếch và xám xịt để tiếp nhận khí trời, sự tinh khiết của những làn sương để tích thành nhựa sống. Để rồi, không lâu nữa, từ những thân cành khẳng khiu, mốc thếch và xám xịt ấy sẽ bật dậy những chồi non, nở bung những đóa hoa tươi thắm. Khi ấy, sương núi bắt đầu tan, ánh nắng xuân chan hòa khắp mọi nơi, bản làng sẽ tưng bừng trong ngày hội. Vào Huồi Giảng 1, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác, thế giới của miền cổ tích với hình ảnh những ngôi nhà nhỏ xinh xắn nép mình dưới rặng hoa đào, với những con người hiền hậu, gần gũi và cởi mở. Rồi xuýt xoa khi thấy những cành đào rung rinh khẽ chạm mái ngói sa mu, trên mái ngói là những giò phong lan rừng tràn đầy sức sống. Dưới gốc đào là những hòn đá mồ côi với nhiều hình dáng khác nhau, cùng một màu đen xám để tôn thêm vẻ cổ kính, nguyên sơ của vùng đất này. 
 
Thấy chúng tôi thơ thẩn giữa vườn đào, ông Già Giống Nênh ra mời vào nhà trò chuyện. Trong câu chuyện, không biết vô tình hay hữu ý, ông nói nhiều về cây đào với cuộc sống của dân tộc mình. Theo Già Giống Nênh, cây đào giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông, cả về giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần. Cây đào tỏa bóng mát trong mùa hè nóng bức, cho bà con trái ngọt và trở thành một nguồn thu đáng kể. Cây đào là tín hiệu báo mùa, khi thân cành khẳng khiu bật chồi, hé nụ chính là lúc năm cũ đã đi qua, năm mới đã bắt đầu, nhà nhà có thêm niềm hy vọng. Ngày Tết, trai gái Mông cùng ra vườn đào thổi khèn, múa hát giao duyên. Hoa đào đua sắc thắm cùng vẻ đẹp sặc sỡ của những bộ trang phục cổ truyền làm nên một bức tranh sống động, đa màu đa sắc và ngập tràn giai điệu.
 
Vì thế, cuộc sống dẫu có thay đổi nhưng đồng bào Mông ở Huồi Giảng 1 vẫn lưu giữ những cây đào cổ thụ. Những năm gần đây, vào dịp áp Tết, nhiều thương lái và khách miền xuôi vào tận bản hỏi mua đào. Dịp này, đồng bào Mông lại có thêm một nguồn thu đáng kể để sắm sửa, trang trải trong dịp Tết. Nhưng có một nguyên tắc bất thành văn là dân bản ở đây chỉ bán cành đào, không ai bán cả gốc, không ai chặt trụi cả cây để bán. Nếu bán hết gốc, chặt trụi cành sẽ mất hết phúc lộc của đất trời, năm ấy làm ăn chắc hẳn sẽ rời vào tình cảnh đói kém. Sau khi chặt cành, cây đào được vun gốc và quan tâm chăm sóc quanh năm, để cuối năm cây tích nhựa, trổ hoa báo hiệu Xuân về. Vì lẽ đó, cây đào Mông đã góp thêm cho các làng quê, phố thị miền xuôi một gam màu tươi sáng lúc Xuân sang nhưng vẫn có cơ hội được tái sinh và tồn tại bền vững. 
 
Già Giống Nênh cho biết thêm, vì cây đào có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của người Mông nên nó đã theo bước chân thiên di của đồng bào từ vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc vào cư trú trên vùng đất miền Tây Nghệ An. Vào đây, gặp điều kiện đất đai, thổ những và khí hậu phù hợp, cây đào Mông sinh sôi và phát triển khôn kém vùng Tây Bắc. Ngày xưa, khi người Mông còn sống du canh du cư, mùa rẫy này ở Pù Liêng, mùa sau lên Pù Lon, mùa sau nữa lại tìm đến Pù Xai, hành trang của họ mang theo không thể thiếu gốc đào cổ thụ. Vì có cây đào sẽ có tín hiệu báo xuân sang, mang theo bao niềm hy vọng.
 
Công Kiên