(Baonghean) - Ngày 12/5, dự án Luật Trưng cầu ý dân lần thứ hai được Hội Luật gia trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một vấn đề không mới vì đã được đề cập nhiều, nhưng vì tính chất hệ trọng liên quan tới những vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên đã nói, đã bàn nhiều song vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng.
 
Dẫu vậy, cần phải khẳng định: Trưng cầu dân ý là việc nên làm và nên có luật về vấn đề này để việc thực hiện có đầy đủ căn cứ, cơ sở về mặt pháp lý. Sở dĩ nói như vậy là vì,  như lời của ông Chủ tịch Hội Luật gia Nguyễn Văn Quyền, thì “trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể”. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 đã xác định rõ: “Nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.  Văn kiện Đại hội XI của Đảng cũng đã chỉ rõ “Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp”.
 
Chúng ta đã xác định Nhà nước của ta là của dân, do dân và vì dân, thì việc trưng cầu dân ý chính là một trong những cách thức để thể hiện bản chất đó của Nhà nước ta. Đồng thời là cơ chế để người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp như Nghị quyết Đảng đã đề ra. Hơn nữa, trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Đến nay đã có 167/214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.
 
Như vậy, về mặt chủ trương cũng như thực tiễn và xu thế thời đại đã có sự đồng thuận, nhất trí cao cho vấn đề trưng cầu dân ý. Vấn đề còn lại là nên thực hiện theo cách thức như thế nào cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nước nhà. Vì lẽ, kết quả của trưng cầu dân ý là tốt đẹp hay chưa tốt đẹp cho một vấn đề nào đó còn phụ thuộc không ít vào trình độ nhận thức về vấn đề đó của người dân. Chưa kể, nếu ý thức chính trị của người dân chưa cao, dễ bị lôi kéo thì có thể việc trưng cầu dân ý sẽ bị lợi dụng theo chiều hướng có lợi cho một số cá nhân hay phe, nhóm nào đó. 
 
Do vậy, trước khi thực hiện việc trưng cầu dân ý cần phải quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu, hay cần quy định rõ và liệt kê những vấn đề nào được đưa ra, vấn đề nào không được phép. Đi cùng với đó là cần có cơ chế  giám sát việc trưng cầu ý dân. Để bảo đảm cho việc  lấy ý kiến của dân được thực hiện nghiêm túc, công bằng và trong sáng.  Bảo đảm chắc chắn cho lá phiếu của người dân không bị lợi dụng. Đó là những vấn đề cơ bản, quan trọng cần phải có các biện pháp, chế tài cụ thể để bảo đảm một cách thật chắc chắn sự trung thực, khách quan, chính xác  khi thực hiện việc trưng cầu dân ý. Bởi lẽ, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: “Đã trưng cầu ý dân thì ý kiến của nhân dân là ý kiến quyết định. Đó là nguyên tắc, đã trưng cầu ý dân là do dân quyết định chứ Quốc hội không thể quyết định được”.
 
Thế nên, việc trưng cầu dân ý và xây dựng bộ luật về vấn đề này là việc nên làm, cần làm nhưng phải hết sức thận trọng.
 
Duy Hương