(Baonghean) - Hôm 12/5 vừa rồi, có riêng một hội thảo khoa học được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội để chỉ bàn mỗi một việc là nên hay không nên tiếp tục thực hiện Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
 
Cuộc hội thảo này lại tiếp tục làm sục sôi dư luận khi mà gần như tất cả ý kiến ở hội thảo đều phản ứng gay gắt việc tiến hành dự án nói trên vì vi phạm pháp luật và vì gây hại cho môi trường sống cả trước mắt và lâu dài. Nhiều người không chỉ đề nghị hủy bỏ dự án mà còn yêu cầu những người lấp sông phải móc đất đã lấp dưới sông Đồng Nai lên, vì theo điều tra độc lập của một số phóng viên báo chí, thì đất đó đã được lấy từ khu vực bị nhiễm chất đi-ô-xin từ thời chiến tranh chống Mỹ.
 
Trước cuộc hội thảo này đã có ít nhất hơn 200 bài báo và hàng chục ý kiến của các nhà khoa học phản biện rất gay gắt dự án này ở dưới nhiều góc độ khác nhau. Dù vậy, tỉnh Đồng Nai vẫn cho rằng, dự án không có gì sai phạm; đang tìm cách “tháo gỡ” và hy vọng các bộ, ngành Trung ương sẽ thẩm tra để làm sáng tỏ các vấn đề đang tranh cãi nhằm giải tỏa sự bế tắc cho dự án đã “trót ký, trót làm”. Cuộc hội thảo “hoành tráng” này được tổ chức ở Thủ đô, cách xa sông Đồng Nai cả nghìn cây số chắc cũng không nằm ngoài mục đích đó.
 
Động thái này khiến nhiều người rất khó hiểu. Vì cách đây mấy năm, khi Dự án Thủy điện 6 và  6A dự định triển khai trên thượng nguồn sông Đồng Nai, nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng phản đối gay gắt vì cho rằng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai. Quan điểm này được dư luận lúc đó ủng hộ và cho rằng lãnh đạo địa phương biết nhìn xa, trông rộng; biết quan tâm bảo vệ môi trường, giữ gìn sự an lành cho muôn đời sau.
 
Vậy sao nay lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lại quay ngoắt 180 độ như vậy? Phải chăng là có ai đó đang cố “chịu đấm” để bảo vệ “phần xôi” của mình? Dù sao, đó vẫn chỉ là nghi vấn theo kiểu suy diễn, quy kết mà chưa có chứng cứ để có thể đi đến kết luận cuối cùng là có chuyện đó hay không. Nhưng qua chuyện này có thể khẳng định là có một sự thật rất nguy hiểm là có không ít người, không ít địa phương đang sẵn sàng đánh đổi môi trường để thu về lợi ích kinh tế trước mắt, bất chấp hậu quả số đông dân chúng phải gánh chịu lâu dài về sau.
 
Còn nhớ, trước khi các địa phương đua nhau làm thủy điện, không ít nhà khoa học đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kêu gọi phải thận trọng xem xét, đừng  vội đánh đổi môi trường để  thu lợi ích kinh tế trước mắt. Nhưng rồi không mấy người, mấy nơi nghe theo. Hàng loạt nhà máy điện chạy bằng sức nước được dựng lên. Để rồi hôm nay, không ít địa phương nằm dưới cửa xả lũ của các nhà máy thủy điện xuất hiện những cơn “lũ lạ”, “lũ bất ngờ”, “lũ trái mùa”… gây thiệt hại về tài sản không biết bao nhiêu mà kể.
 
Hậu quả nhãn tiền là hàng trăm nghìn hộ dân luôn phải sống trong lo âu, sợ hãi. Mùa khô, nhà máy đóng cửa xả để tích nước, hạ du các con sông thành sa mạc. Mùa mưa, nhà máy mở cửa xả lũ, hạ du thành bể nước bạc mênh mông. Như thế sống được đã khó, đừng nói tới chuyện thoát nghèo, làm giàu; vì chỉ cần một trận lũ lớn lướt qua là phải năm, sáu năm sau mới khôi phục lại được như ban đầu. Mà năm nào cũng cứ đến hẹn lại… lũ!
 
Nói thế, để đi đến thống nhất một quan điểm là không cho phép bất cứ ai hay bất cứ địa phương nào đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Vì cái giá phải trả sẽ đắt gấp nhiều lần so với lợi nhuận thu được. 
 
Duy Hương