(Baonghean) - Dân gian có câu “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Ý là còn măng non thơ dại thì đừng có nói đến chuyện khôn ngoan. Còn già rồi đương nhiên đi cùng với ốm yếu, không thể nói chuyện khỏe như vâm được. Nghĩa là đến tuổi già thì cần phải được nghỉ ngơi, không nên làm cố, làm thêm, làm nếm vì sức khỏe không cho phép.
 
Thế nên, cách đây chưa lâu, khi ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 65 và của nữ từ 55 lên 60 để tránh vỡ quỹ lương hưu trong tương lai, dư luận đã cực lực phản đối. Bởi kể từ bao lâu nay, cả thế giới người ta đã chứng minh là con người cần được nghỉ ngơi ở tuổi 60; nếu cố tình kéo dài thì hiệu quả làm việc không cao, phần do sức khỏe kém, phần nữa là thiếu sự linh hoạt, minh mẫn nên trì trệ trong suy nghĩ và hành động. Đề xuất đó, coi như bị bác ngay từ khi mới manh nha. 
 
Những tưởng, để cứu vãn quỹ lương hưu không bị phá sản trong tương lai gần, cơ quan chủ quản quỹ sẽ nghĩ tới các phương án khác hay ho hơn, như là lo quản lý, lo cân đối đầu vào đầu ra; lo rốt ráo nguồn thu; nâng số lượng người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) lên cao, thu hồi nợ đọng (nghe đâu những hơn năm nghìn tỷ đồng)...
 
Nào ngờ, người ta vẫn cố tình lèo cái chuyện đó vào trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2016 tới đây. Dĩ nhiên là họ rất khéo léo, không nói thẳng là tăng tuổi nghỉ hưu lên như trước đây, mà chỉ quy định đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức lương tính nộp BHXH; từ năm đóng thứ 16 trở đi, mỗi năm cộng thêm 2%.
 
Như vậy, lao động nữ phải mất 30 năm đóng bảo hiểm (thay vì 25 năm như luật hiện nay) để được hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH. Thế nghĩa là muốn hưởng trọn lương hưu ở mức cao, hầu hết phái nữ và một bộ phận không nhỏ phái nam phải chấp nhận làm việc thêm 5 năm so với tuổi nghỉ hưu hiện hành may ra mới đạt được...
 
Thế là, chẳng cần ép thì “người ta” cũng tự bắt buộc mình nghỉ hưu muộn hơn trước nhiều năm để gia cố sự an toàn cho quỹ lương hưu. Ấy nên, quy định thế thực chất vẫn là “chiêu” của các cơ quan có trách nhiệm đẩy khó về phía dân để dễ giải quyết việc của mình?
 
Tri Kỷ