(Baonghean) - Khá thú vị, người viết bài này vừa làm một cuộc khảo sát nho nhỏ bằng cách gửi tin nhắn qua mạng xã hội facebook cho 10 người bạn với cùng một câu hỏi “Nếu có 100 triệu đằng ấy sẽ làm gì?”. Tưởng sẽ không ai trả lời, ấy vậy mà kết quả thật là sinh động. Một người tức tốc cho biết sẽ dùng nó để “sắm sanh”, một người hào hứng với ý tưởng “mở cửa hàng”, hai người toan tính lựa chọn “mua vàng”, 6 người còn lại thì  thỏ thẻ  “gửi tiết kiệm lấy lãi”. 
 
Chỉ là một cuộc khảo sát nho nhỏ, một khảo sát vui, mẫu giá trị của nó cũng không thể đủ cho một kết luận mang tính khoa học nào. Tuy nhiên, nếu đem so sánh kết quả này với những gì đã, đang và rất có thể sẽ còn diễn ra trên thực tế cuộc sống thì độ vênh thông tin chắc cũng không quá nhiều. Dòng chủ lưu của đồng tiền trong dân chúng đang hướng đến với nhà băng. Gửi tiết kiệm hoặc mua vàng “bạch thủ” đang là lựa chọn nhận được sự ưu tiên số một của người dân mỗi khi có tiền. Đáng nói hơn là nó được khuyến khích,  thậm chí được cổ súy như một sự tính toán đầy khôn ngoan kiểu như “Có tiền thì mua vàng hoặc “ném” vào ngân hàng là chắc ăn nhất”! Chuyện “khai quật” nguồn tiền khổng lồ kia đã được tính đến, nhưng nói lâu rồi, nói nhiều rồi mà nó vẫn… chưa chuyển. Năm 2011, câu chuyện “huy động vàng trong dân” đã được khởi xướng nhưng rồi chính sự bận rộn cộng với lơ là đã góp phần “dung túng” cho “cục” vốn “bỏ hoang” kia ngày càng lớn thêm. 
 
Đầu năm nay, Nghị quyết 01 của Chính phủ đã chính thức giao cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề án này. Chưa tính đến “sổ tiết kiệm”, mới chỉ tính vàng thôi, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thì hiện có khoảng 300 - 500 tấn vàng đang được người dân cất giữ. Nếu tính giá vàng ở mức 35,2 triệu đồng/lượng thì có khoảng 17 - 21 tỷ USD đang “nằm không” trong két nhà dân. Tại Nghệ An, chưa thống kê được lượng vàng cất trữ, nhưng ước  tính đến 30/4/2015, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 70.490 tỷ đồng, tăng 3.476 tỷ đồng so với đầu năm (bằng 5,2%).
 
Việc mua vàng, hay “mua” sổ tiết kiệm là một thói quen ứng xử với đồng tiền đã được hình thành khá lâu trong tiềm thức của người Việt. Hiện nay không chỉ ngươi dân thành phố mà tại các xã có lượng người xuất khẩu lao động cao ở huyện Nam Đàn, TX. Cửa Lò, Yên Thành, hoặc xa hơn chút là Cương Gián - Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cuộc sống đã sung túc. Những gì họ đang có là nguồn gốc từ nguồn ngoại hối thu về từ xuất khẩu lao động đang làm thay da, đổi thịt đời sống bà con ở đây. Tuy nhiên, quan sát cái cách mà họ sử dụng đồng tiền chúng ta vẫn thấy có cái gì đó tiêng tiếc. Tất nhiên, khi có đồng tiền, những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như làm nhà, sắm sanh, hay xây dựng hạ tầng góp phần thay đổi sắc diện nông thôn rất đáng được khuyến khích. Nhưng, chắc nó cũng mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định, số tiền còn lại trong mỗi gia đình thì sao? Có bao nhiêu tiền được đem đầu tư sinh lãi? Và có bao nhiêu trong số tiền không hề nhỏ ấy “biến” thành vàng và sổ tiết kiệm? “Tiền nhàn rỗi chủ yếu là gửi tiết kiệm chú ạ”, một người trong cuộc ở huyện N đã nói với tôi như vậy. Ai cũng biết trong kinh tế thị trường, cơ hội chủ yếu đến với kẻ vay tiền chứ không phải là người gửi tiền. Ấy thì tại sao người ta không dùng đồng tiền ấy để đầu tư, biến nó thành vốn, để sinh lời? 
 
Liệu gửi tiết kiệm có phải là giải pháp tối ưu không? Trong bối cảnh lạm phát thỉnh thoảng lại “cầm tinh con ngựa” thì giá trị thực dương của lãi suất tiền gửi được mấy, hay “rô hạ rô”? Chắc mọi người chưa quên trường hợp của ông Lê Minh Toán tại Hàng Bài (Hà Nội). Từ năm 1982-1985, ông đã chắt chiu từ chính tiền lương của mình để gửi tiết kiệm 12 cuốn sổ với tổng giá trị là 4.100 đồng vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.  Thế nhưng, sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi số tiền mà ông gửi chỉ được 109.778 đồng, đủ ăn được 3 tô phở… thừa vài cọng hành! Biết thì biết vậy nhưng với người dân không gửi tiết kiệm, không mua vàng thì biết làm chi?
 
Hình như chúng ta vẫn còn thiếu một cơ chế để khuyến khích và lôi kéo nguồn vốn tiềm năng trong dân. Sự chuyển dịch của đồng tiền đang bị những vết cắt chính sách hạn chế đi ít nhiều. Tại sao Nhà nước vẫn phải bỏ ra hàng trăm tỷ ưu đãi cho người dân vay để đóng tàu đánh bắt xa bờ, trong lúc kiều hối lại chạy đường vòng vào nhà băng? Không phải ai có tiền cũng có thể kinh doanh được, nhưng có lẽ ai cũng có thể bỏ vốn được. Phải làm gì để vốn trong dân không bị “bỏ hoang” là câu hỏi đang đặt ra, đòi hỏi một thái độ, một tinh thần không chỉ có sốt ruột mà phải quyết liệt.
 
  Nguyễn Khắc An