(Baonghean) - Ngày xưa trong sinh hoạt, họp hành, một vấn đề đưa ra bàn cãi nảy lửa, có nhiều ý kiến bàn góp thêm, tìm ra giải pháp thực hiện tối ưu nhất. Trong họp hành căng thẳng để đi đến thống nhất hành động, làm sáng rõ năng lực, sức hiểu biết và càng rõ hơn tinh thần trách nhiệm. Ngày nay, trong hội họp, thường im lặng, khó đánh giá rõ con người tài, hèn, tốt xấu?!
Có một thực tế là trong các cuộc hội họp rất ít người tham gia phát biểu. Các cuộc họp dân, thường người chủ trì nêu vấn đề, giải thích thêm vài ý, sau đó mời hội nghị phát biểu. Hội nghị lặng im một lát và nhất trí như báo cáo đánh giá. Nếu có chăng ý kiến phát biểu thì cũng chỉ nhắc lại vài tiêu mục trong báo cáo đã có hoặc tôn vinh thêm thành tích, ít có ý kiến mổ xẻ thêm vấn đề, càng hiếm ý kiến phê bình, chất vấn. Trong hội họp đã thế, trong sinh hoạt hàng ngày lại càng ít thấy ý kiến phê bình hay góp ý, mà im lặng cho qua hết mọi chuyện.
Từ chỗ trong hội họp chỉ im lặng, không đấu tranh phê bình, góp ý cho nhau, không phát hiện ra những sai sót để khắc phục. Từ cái sẩy nẩy cái ung, cấp trên không biết để khắc phục và sửa chữa. Trong hội họp nỏ phát biểu, ra khỏi cuộc họp bàn tán, xôn xao. Khi biểu quyết thì tay giơ đồng ý nhưng lòng không phục, đồng ý cao nhưng không đồng thuận, thành ra khi triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả không cao, thậm chí ông chằng bà chuộc.
Trong sinh hoạt nỏ đấu tranh, làm giảm sút nghiêm trọng tính chiến đấu của người cán bộ, đảng viên, công chức. Cũng không ít trường hợp vì tập thể, muốn phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng nên góp ý đấu tranh bị trù dập, hoặc không được ủng hộ, không được bảo vệ càng làm thui chột tính chiến đấu. Lại có không ít ông chủ trì dù kêu gọi đóng góp, phê bình, nhưng bụng lại thâm hiểm, anh nào dại mồm đấu tranh không “thành tật” thì cũng coi chừng dễ bị lên bờ xuống ruộng, khó yên với thủ trưởng. Không ít nơi dân chủ hình thức, cũng đưa ra bàn bạc, nhưng mọi cái thủ trưởng đã quyết. Cứ thế lâu dần thành quen, anh em có góp ý cũng vô ích!? Bác Hồ đã dạy: Muốn dân “mở mồm” cán bộ phải hết sức công tâm, phải biết tôn trọng ý kiến và phải chân thành sửa chữa. Ngạn ngữ có câu: “Biết mà không nói cho nhau nghe là bất nhân, biết mà không nói cho nhau rõ để sửa chữa là bất nghĩa” để cái sai nhỏ tích tụ thành cái sai lớn, lâm vào vòng lao lý, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Thiết nghĩ, để nghị quyết thành công, ngoài sự kiên quyết của Đảng, rất cần sự tham gia góp ý của nhân dân. Ngoài các biện pháp tổ chức, rất cần dũng khí của người dân. Còn cứ như hiện nay “im lặng là vàng” thì chắc chắn nghị quyết sẽ thất bại.
Câu hỏi vì răng dân nỏ nói chi, đang đặt ra cần xem lại vấn đề dân chủ tại các địa phương có phải hình thức không, nên dân mới nỏ nói…?
Chính Trực