(Baonghean) - Ngày 5/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Tại hội nghị này, lần đầu tiên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đưa vào văn kiện hội nghị chính thức một cụm từ đáng chú ý: “tham nhũng vặt”.
 
Trong phần đánh giá tình hình kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, ở nội dung chỉ ra những hạn chế, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã phát biểu: “Tình trạng tham nhũng vặt, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công... vẫn còn nhức nhối.” Gọi “tham nhũng vặt”, chắc hẳn là để phân biệt sự khác nhau về quy mô, mức độ vi phạm và mức độ gây ra hậu quả... so với “tham nhũng lớn”, nhằm nhận thức rõ hơn, xác định rõ hơn các loại tham nhũng mà công tác phòng, chống tham nhũng phải hướng tới để đẩy lùi, ngăn chặn và xử lý, không có ngoại lệ, không loại trừ bất cứ loại tham nhũng nào.
 
Cách gọi tên, đặt vấn đề của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình trạng “tham nhũng vặt” thực sự đã tạo ra được sự quan tâm, chú ý của dư luận bởi đồng chí Tổng Bí thư đã gọi tên, chỉ mặt một thực trạng nhức nhối tồn tại lâu nay và gây bức xúc cho toàn xã hội. Gọi là “tham nhũng vặt” nhưng không còn là vấn đề “vặt”, không còn là chuyện nhỏ, bởi nó diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, nhất là ở cấp cơ sở, ở các bộ phận liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. “Tham nhũng vặt” là điều mà bất cứ người dân nào cũng có thể “thực mục sở thị”, mắt thấy tai nghe, thậm chí bản thân mỗi người dân đều đã, đang hoặc sẽ là người trong cuộc của nhiều vụ “tham nhũng vặt” với tư cách là một bị hại, bởi nó đã diễn ra rất gần, hàng ngày...
 
Vì thế, “tham nhũng vặt” có sự tác động và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính, đội ngũ công chức, viên chức ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Tình trạng “tham nhũng vặt”, bất cứ công dân nào cũng có thể bắt gặp khi tham gia bất cứ một quan hệ giao dịch hành chính, dịch vụ công, liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư... nên địa chỉ tham nhũng, hình thức và mức độ tham nhũng là rất rõ. Ai cũng có thể gặp, ai cũng có thể nhận biết, vì bất cứ ai cũng có thể bị “làm khó”, bị “sách nhiễu”, nhưng vì ai cũng muốn “được việc”, muốn “vô sự”, tránh phiền hà, tránh hậu họa... với tâm lý thôi thì  “qua sông phải lụy đò”, đành chịu khó “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng đến khi “tham nhũng vặt” thành vấn nạn, thành quốc nạn, đi đâu cũng phải lụy, ở đâu cũng phải “ngậm bồ hòn”, khi khả năng chịu đựng của mỗi người đều bị đẩy đến giới hạn cao ngất ngưởng, khó có thể chịu đựng thêm, thì sự tích tụ những tâm lý nhức nhối, bức xúc trong xã hội là vô cùng lớn, do đó tác hại của nó chắc chắn không hề nhỏ chút nào.
 
Ở một đất nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ và tổng thu nhập quốc dân còn khiêm tốn, nếu cứ để “tham nhũng lớn” và “tham nhũng vặt” tiếp tục song hành ra sức cào cấu vào túi ngân sách, vào túi tiền của nhân dân, thì thảm họa là một kết cục có thể báo trước. Vì vậy, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh - Phó Trưởng ban Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoàn toàn có lý khi nhấn mạnh đến hai lần trong báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng rằng “tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay”. Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cảnh báo tham nhũng “vẫn là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”.
 
Tuy nhiên, điều đáng mừng là những bức xúc của xã hội về vấn nạn tham nhũng và nguy cơ của nó đã được lãnh đạo cấp cao của Đảng, có vị trí cao nhất trong công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nhận diện rõ và chỉ mặt đặt tên; đồng thời khẳng định  quyết tâm chính trị của toàn hệ thống chính trị trong thời gian tới là “đánh án tham nhũng”, xử lý tham nhũng không trừ một ai, không có đặc quyền, đặc lợi, thực hiện chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Hy vọng rằng công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng tham nhũng sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi. Cùng với các cơ quan chức năng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đều tích cực tham gia giệt trừ “tham nhũng lớn”, và có ý thức tự giác hợp tác với cơ quan chức năng để giệt trừ “tham nhũng vặt”!
 
Ngô Kiên