(Baonghean) - Mới đây một phương tiện thông tin đại chúng loan tin: Tại các trường trung cấp, số thạc sỹ, cử nhân theo học ngày càng đông. Một tờ báo viện dẫn: “Lê Thu Hòa, quê Nghệ An, tốt nghiệp hệ CĐ ngành Kế toán tại một trường ĐH ở TP HCM nhưng sau nhiều tháng chờ việc, cô quyết định đăng ký học ngành Quản trị nhà hàng của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist”. Theo tờ báo này, ông Trần Văn Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu như những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp đều đang thất nghiệp và không thiếu ngành nghề nào... Trường Trung cấp Đại Việt có 1.812 học sinh thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sỹ. Năm 2012, có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ”. 
 
Trong số 7.000 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ ở tỉnh ta kể cả “bằng đỏ” như ngành GD&ĐT đã công bố vừa qua đang trong tình trạng thất nghiệp, liệu có ai đang trở lại các trường trung cấp? Hiện chưa có thống kê cụ thể từ phía ngành chức năng, nhưng thực tế những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp, học nghề ngày càng nhiều. 
 
Theo một số phụ huynh có con học ĐH, CĐ: Chi phí cho một người học ĐH bao gồm học phí và các chi phí khác bình thường không dưới 100 triệu đồng. Bốn năm miệt mài trên giảng đường, ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để kiếm sống là một sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Trong số đó có người đang ôm theo cả một khoản nợ lớn không biết đến bao giờ mới trả hết được. 
 
Quá trình “liên thông ngược” này cho thấy một sự lãng phí rất lớn trong đào tạo ĐH, CĐ hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra đã nhiều năm “biết rồi nói mãi” mà không được các ngành chức năng chú ý chấn chỉnh. Xem ra chuyện hàng chục triệu người tốt nghiệp ĐH, CĐ xong thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp, sự “liên thông ngược” này có lẽ chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Để tránh tình trạng này, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh sự lãng phí như hiện nay. 
 
Minh Thư