(Baonghean) - Nghệ An tự hào có bãi biển Cửa Lò được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là bãi biển đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Và nhiều năm qua, Cửa Lò được nhắc đến như một địa danh du lịch biển không thể thiếu trong những ngày hè của người dân Việt từ Đèo Ngang trở ra Bắc. Thế nhưng, trên thực tế, bãi biển Cửa Lò chưa phải là điểm đến hấp dẫn du khách nhất miền Bắc. Nói như vậy, không phải là để hạ thấp vị thế của Cửa Lò mà chỉ muốn nói ra sự thật là, trong nhiều năm qua, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một bãi biển đẹp. Vì thế, chủ trương của tỉnh Nghệ An xây dựng và phát triển Thị xã Cửa Lò trở thành đô thị du lịch đến năm 2015 có tính đến 2020 là nhằm tận dụng và phát huy lợi thế đó.
Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương đã dành không ít nguồn lực với nhiều chương trình, kế hoạch và chính sách ưu đãi để phát triển, nâng tầm du lịch biển Cửa Lò, nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được như mong muốn và kỳ vọng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nếu để tâm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thì thấy có một yếu tố cơ bản, quan trọng chi phối tất cả các hoạt động liên quan đến du lịch. Đó là tư tưởng, tâm thế của những cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Cửa Lò. Do điều kiện về thời tiết, khí hậu nên mỗi năm ngành du lịch biển Cửa Lò chỉ thật sự hoạt động có hiệu quả trong khoảng thời gian ba đến bốn tháng.
Thời gian còn lại trong năm hầu như án binh bất động. Vì thế các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch ngần ngại bỏ tiền, bỏ của ra đầu tư một cách bài bản, lớp lang, có chiều sâu để có những sản phẩm thật sự độc đáo, đặc sắc riêng có phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, từ nơi lưu trú đến ẩm thực và các hình thức vui chơi, giải trí, các tour, tuyến du lịch ngoại vi. Vì tiền vốn bỏ ra nhiều mà khả năng thu hồi vốn chậm, thời gian hoạt động hiệu quả ít và ngược lại, thời gian không sản sinh ra lợi nhuận dài. Chưa kể, đã không sinh ra lợi nhuận lại còn phải mất kinh phí duy trì đội ngũ nhân lực nhất định để thực hiện các công đoạn bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp.
Cho nên, khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh du lịch ở Cửa Lò, người ta luôn có tâm lý tìm đến những phương án có khả năng thu hồi vốn nhanh nhất, nhiều nhất với chi phí bỏ ra thấp nhất vì một năm cơ hội kiếm tiền chỉ có vài tháng. Cách suy nghĩ đó dẫn đến cách làm theo kiểu “bóc ngắn cán dài”. Các dịch vụ phục vụ khách du lịch ở Cửa Lò, từ nơi ăn chốn ở cho đến các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn khác, phần lớn đều ở mức “thường thường bậc trung”, thậm chí là trung bình kém, thiếu điểm nhấn và không có dấu ấn. Trong số 248 cơ sở lưu trú (công suất trên 18.000 du khách lưu trú/ngày/đêm), mới chỉ có 20 khách sạn đủ tiêu chuẩn để được gắn từ hai đến bốn sao, nhưng số lượng ba đến bốn sao cũng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong các cơ sở lưu trú “có sao” đó.
Việc triển khai Dự án Quần thể du lịch sinh thái đảo Lan Châu - đảo Ngư theo mô hình Dự án Hòn Ngọc Việt của Nha Trang đã được đưa vào khai thác từ 10 năm nay. Nhưng hiện tại, vẫn chưa lưu lại được dấu ấn gì đáng kể trong lòng du khách vì hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách vẫn còn thiếu và nhiều hạn chế. Nơi này nơi khác vẫn còn tâm lý “tận thu” dẫn đến cách làm “chụp giật” thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động kinh doanh với các hiện tượng không đẹp như nâng ép giá (hay còn gọi là “chặt chém” du khách), đeo bám, chèo kéo khách mua hàng, môi giới các hoạt động không lành mạnh… làm giảm sự hấp dẫn của Cửa Lò đối với du khách. Sự đầu tư thiếu bài bản, thiếu chiều sâu cũng là một trong những nguyên nhân khiến Cửa Lò mới chỉ là bãi biển của khách du lịch nội địa chứ chưa là điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế, ngoại trừ lượng khách từ Lào sang.
Vì thế, để Cửa Lò bứt phá, phát triển trở thành “đô thị du lịch biển xanh, sạch, đẹp, giàu mạnh, văn minh, cùng với Thành phố Vinh phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh Nghệ An” điểm mấu chốt là phải huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia vào lĩnh vực phát triển du lịch. Và muốn huy động được sự tham gia tích cực và đông đảo các nguồn lực trong xã hội thì phải tìm cách giải cho bằng được bài toán hiệu quả đầu tư. Bởi trong sản xuất, kinh doanh có một chân lý hết sức đơn giản: không hiệu quả thì không đầu tư.
Duy Hương