Tại cánh đồng Bàu Nón, thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nổi lên một ngôi mộ xây bằng gạch. Trên nóc mộ có gắn hai tấm bia đá ghi rõ họ tên, quê quán, công tích của người yên nghỉ - Chí sĩ Đặng Thái Thân. Cuối bia cũng ghi rõ họ tên người soạn văn bia - Phan Bội Châu. Nội dung văn bia bằng chữ Hán, tạm dịch như sau:
Mùa hạ, năm Quý Dậu (1933)
(Phan Bội Châu soạn).
Bia số 2: Chí sĩ Đặng Thái Thân, người xã Hải Côn, huyện Nghi Lộc, biệt hiệu Ngư Hải Tiên sinh. Hơn mười năm quên thân, xa nhà tận tụy lo sự nghiệp Duy Tân, cứu quốc. Hy sinh oanh liệt vào ngày 01 tháng 2 năm Canh Tuất (1910).
Than ôi! Vĩ đại thay! Sau 31 năm chí sĩ tuẫn quốc, ai là người nối tiếp noi theo đây?
Ngày... tháng... năm Canh Thìn (1940)
Phan Bội Châu soạn.
Chí sĩ Đặng Thái Thân, tên chữ là Ngư Hải, sinh năm 1873 - mất năm 1910, quê ở xã Hải Côn, nay thuộc xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là cháu gọi Đặng Tử Kính bằng chú. Ông có tư chất thông minh, lúc trẻ tuổi đã nổi tiếng văn hay ở địa phương. Ông là học trò giỏi nhất của Phan Sào Nam. Năm 32 tuổi, ông có làm đôi câu đối "Thư trai" (Dán ở nhà đọc sách).
Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch:
- Ba mươi hai tuổi lẻ, vẫn chửa nên người, thở vắn than dài, bầu tâm huyết thiêu cơm trời đất;
- Trăm thiên sách đọc thừa, còn chưa biết chữ, riêng ngồi lặng ngắm, lửa nhiệt thành rọi đuốc thánh hiền.
Mặc dù học giỏi, nhưng chí của ông lại không mượn văn tự mà cầu phú quí. Sinh phải thời nước mất, nhà tan, nhân dân ta sống lầm than dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, nên ông có hoài bão làm việc cứu nước, cứu dân. Ông theo Phan Bội Châu cùng Cường Để lập Hội Duy Tân ngay từ ngày đầu, và trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất của Hội. Ông chuyên lo công việc quyên góp tiền; lo vận động thanh niên và tổ chức đường dây cho họ xuất dương sang Nhật theo cụ Phan Bội Châu.
Giặc Pháp tức tối trước phong trào của Hội Duy Tân và Đông Du, đã quyết bắt cho được người tổ chức quan trọng là Ngư Hải. Chúng luôn cho mật thám theo dõi ông và khi phát hiện ông đang họp kín cùng các đồng đảng tại Phan Thôn (nay thuộc xã Nghi Kim, Thành phố Vinh), liền huy động 500 lính tới vây bắt. Ông để đồng đội rút hết, còn mình thì cầm súng ngắn chờ giặc. Ông đã bắn chết tên tay sai Một Độ nguy hiểm, rồi tự bắn vào mình để khỏi lọt vào tay kẻ thù. Ông hy sinh oanh liệt, nêu một tấm gương yêu nước, thương nòi cho đời!
Sau khi ông mất, giặc Pháp rất dã man đã cho kéo xác ông trên khắp các phố phường ở Vinh và quê hương ông, để hòng đe doạ, đè bẹp lòng yêu nước của nhân dân xứ Nghệ. Các đồng chí và nhân dân rất xót thương đã bằng mọi cách lấy lại được thây xác ông, rồi bí mật đưa về chôn cất tại cánh đồng Bàu Nón, xã Thanh Tuyền (nay thuộc xã Nam Thanh), nơi quê vợ ông và cũng là nơi ông từng mở trường dạy học.
Cụ Phan Bội Châu quá đau đớn khi biết tin Ngư Hải hi sinh, ngỡ như bị chặt đứt mất cánh tay phải của mình. Năm Quí Dậu (1933), cụ Phan đã soạn bài văn bia gửi về quê hương nhờ người khắc lên đá gắn lên mộ Ngư Hải (Bia số 1). Cụ cũng luôn day dứt về người học trò yêu, người đồng chí thân thiết, tin cẩn nhất của mình, cho đến một ngày cuối đời, trước lúc "nhắm mắt xuôi tay" cụ đã soạn thêm một bài văn bia khác, đầy đủ hơn, về chí sĩ Đặng Thái Thân và ghi rõ họ tên người soạn (Bia số 2). Bia số 1 chỉ ghi là "Châu chí", có lẽ còn e ngại kẻ thù dòm ngó, phá hoại. Bia sau có nội dung đầy đủ hơn đã được gắn trang trọng trên mặt trước của ngôi mộ.
Hai bài văn bia mộ Đặng Thái Thân của cụ Phan Bội Châu soạn đã tôn vinh được một tấm gương người Nghệ soi sáng giữa trời Nam. Ngôi mộ và hai tấm bia này, là những di tích quí hiếm của quê hương, đất nước, cần được bảo vệ, tôn vinh để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau!