Khi lớp trẻ chúng tôi ý thức được quê hương là nơi gắn bó với bao kỷ niệm của đời người thì làng đã có nhiều thay đổi. Ký ức về tên đất, tên làng gắn với các huyền tích chỉ còn lại trong những câu chuyện của người già. Duy có hình ảnh ngôi đình làng là còn in đậm trong tâm thức mỗi người.
Nghe nói lại thì làng tôi xưa có tên là làng Tam Lễ, được hợp lại từ 3 thôn Lễ Nghi, Tân Long và Thái Phúc. Thôn Lễ Nghi là trung tâm quần cư và có ngôi đình lớn gọi là Đình Cả - nơi tổ chức đại tế của cả làng thờ thần Cao Sơn, Cao Các chính thống uy linh, thượng thượng đẳng tối linh thần, cũng là nơi diễn ra các hội hè, sinh hoạt cộng đồng dân cư cho cả vùng.
Đình Cả được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 17 đầu 18 của thời vua Minh Mạng (không rõ năm nào). Khu đình gồm 3 toà: Hậu cung 3 gian, Trung đường 5 gian, Tiền đường 5 gian, xây bằng đá ong lợp ngói vẩy. Gần rừng, sΩn gỗ nên nhân dân Tam Lễ làm đình toàn bằng gỗ lim, đường kính cột ở toà nhà Tiền đường khoảng 0,50m. Kiến trúc đình thuộc về chắc khoẻ, vào loại to nhất vùng phía Tây huyện Quỳnh Lưu, là ngôi đình duy nhất còn sót lại sau chiến dịch triệt phá tàn dư "mê tín dị đoan" của chế độ phong kiến...
Tương truyền, vào thế kỷ 19, hoà với tiếng súng Cần Vương chống thực dân pháp nổ ra ở khắp Bắc - Trung kỳ, tại các vùng Nghĩa - Diễn - Yên - Quỳnh phong trào khởi nghĩa nông dân diễn ra sôi nổi. Thủ lĩnh Phan Bá Niên (1883 - 1895) đã lấy Đình Cả làm nơi tập hợp nghĩa quân, huấn luyện binh sỹ thời kỳ Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) tổ chức Cách mạng do Hồ Đình Giản cầm đầu, Phong trào dân sinh, dân chủ (1936-1939) Đoàn Thanh niên dân chủ do Hồ Đình Lợi làm bí thư, đều đã lấy Đình Cả làm "trụ sở bí mật" cho những cuộc họp kín, bàn kế hoạch hành động của các tổ chức này.
Đến thời kỳ tiền khởi nghĩa Tháng Tám (1945), dựa vào nhóm thanh niên Mác xít mới ra đời, Việt Minh huyện lên chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tam Lễ. Sau 3 hồi 9 tiếng trống vang lên từ Đình Cả, dòng người từ các xóm mang theo băng cờ, khẩu hiệu có đến hàng ngàn người, nườm nượp kéo về đình để mít tinh, biểu tình cướp chính quyền về tay nhân dân vào ngày 15/8/1945. Từ đó, làng Tam Lễ đổi thành xã Quỳnh Châu cho đến ngày nay.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, đình là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ, tuần lễ vàng ủng hộ kháng chiến, đón thương binh về làng và các cuộc đấu tố của nông dân với giai cấp địa chủ, cường hào, phản động trong giảm tô, cải cách ruộng đất. Những năm hoà bình trên miền Bắc XHCN đình dùng làm trường học cấp I, buổi đầu "khai tâm khai trí" cho lớp trẻ chúng tôi.
Nhiều năm liền đình làm trụ sở Uỷ ban xã, HTX. Vào thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, năm 1968, xã Quỳnh Châu quyết định dỡ 2 toà Tiền đường, Trung đường của đình ra làm hội trường bán âm kiểu "địa đạo" để sinh hoạt thời chiến. Toà hậu cung sau này cũng được bán nốt cho cánh thợ đóng thuyền đánh cá ở Diễn Châu. Các đồ tế khí, hoành phi, câu đối, nghê chầu, voi phục chất thành đống châm lửa đốt hoặc vứt lăn lóc ở góc vườn, xoá sổ một ngôi đình có tiếng hàng mấy trăm năm tuổi. Đã không ít giai thoại về chuyện "quả báo" nghe mà khủng khiếp!
Bây giờ, đứng trước mảnh đất còn lại không đầy một ha của Đình Cả nay đã mọc lên ngôi nhà ngói ba gian làm Nhà Văn hoá xóm 6, tôi không khỏi bâng khuâng, nuối tiếc. Lòng thầm nghĩ: Giá như đình vẫn còn! Gía như người dân quê tôi có tâm phục dựng, trùng tu lại thì Đình Cả sẽ là một địa chỉ tâm linh cho người đời thăm viếng. Và với bao biến cố thăng trầm của làng mà đình chứng giám, chở che, sẽ là nguồn tư liệu quý cho một di tích Lịch sử - Văn hoá được xếp hạng... Nhưng tất cả cũng chỉ là hoài niệm về một nét "hồn quê" dần bị lãng quên!