Bên cạnh những bài hùng ca về đề tài chiến tranh giải phóng dân tộc, còn có nhiều bài hát trữ tình rất xúc động như bài hát: "Gửi em chiếc nón bài thơ" của nhạc sĩ Lê Việt Hoà, phổ nhạc bài thơ cùng tên của tác giả Sơn Tùng. Bài hát được nhân dân rất yêu thích và nằm trong danh sách được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ và Đài Truyền hình Việt Nam trong đợt sáng tác ca ngợi Chiến thắng 30 tháng 4 sau ngày giải phóng miền Nam.

762765_small_49216.jpgNón bài thơ xứ Nghệ.
Và ta cũng nhớ lại vụ kiện về bài hát và bài thơ này. Đây không phải là vụ kiện "đạo nhạc", "đạo văn" như ta thường thấy. Đây là việc có người đã phản ứng gay gắt với Hội Nhạc sỹ và Đài Truyền hình_Việt Nam là: Xứ Nghệ làm gì có nón bài thơ mà nhạc sĩ và nhà thơ cố vơ vào trong tác phẩm của mình? Đây là một sự vi phạm bản quyền đặc sản, là "đạo đặc sản". Thế là thành to chuyện!


Nhạc sỹ Lê Việt Hoà phải đến cầu cứu nhà văn Sơn Tùng, người xứ Nghệ, tác giả bài thơ. Và sau đây là đại ý lời giải thích của nhà văn Sơn Tùng với nhạc sĩ Lê Việt Hoà: Đúng là bản nhạc của anh và bài thơ của tôi có nói đến chiếc nón bài thơ xứ Nghệ. Nhưng ai đó lại nói, chỉ có Huế mới có nón bài thơ là chưa hẳn đúng. Xin hãy nghe bài ca dao sau đây, bài ca dao thách cưới:


Em là con gái nhà giàu

Mẹ cha thách cưới ra mầu xinh sao

Cưới em trăm tấm gấm đào

Một ngàn viên ngọc,

hai mươi tám ông sao trên trời

Tráp vàng dẫn đủ trăm đôi

Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng

Sắm xe tứ mã đưa sang

Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu

Ba trăm nón Nghệ đội đầu

Mỗi người một cái quạt tàu thật xinh!


Như vậy, "nón Nghệ" là thứ nón dành cho thiếu nữ, cho người đưa dâu, rất duyên dáng, đã có từ lâu với ca dao, chuyện cổ tích. Còn Huế mới là kinh đô của nước ta từ đầu thế kỷ 19 gần đây. Và khi đã là kinh đô thì đặc sản của mọi miền đều phải đem vào kinh tiến vua, tiến triều đình. Tất nhiên, khi chiếc nón Nghệ vào Huế sẽ được nâng cấp lên. Cho nên nói ai "đạo đặc sản" của ai thì cũng khó phân xử?!


Và Sơn Tùng bảo Lê Việt Hoà cứ giải thích như thế trên mặt báo. Nhạc sỹ Lê Việt Hoà đã làm theo và sau đó không thấy ai nói gì về bản nhạc và bài thơ đó nữa. Bài hát hay "Gửi em chiếc nón bài thơ" vẫn đi cùng năm tháng, cho đến tận bây giờ.


Theo sự suy nghĩ của tôi, sự giải thích của nhà văn Sơn Tùng có phần hợp lý. Và nhân chuyện này, tôi có suy nghĩ : Xứ Nghệ thường là một trong những nơi phát sinh những ý tưởng mới, tạo nên những sản phẩm mới, kể cả sản phẩm vật thể cũng như sản phẩm phi vật thể, trong đó nhiều cái đã trở thành những "thương hiệu" nổi tiếng của nước nhà như tương Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần, rèn Trung Lương, mộc Thái Yên (sản phẩm vật thể), hát ví, hát dặm, hát đò đưa... (sản phẩm phi vật thể).

Nhưng cũng còn nhiều ý tưởng, nhiều sản phẩm được dấy lên từ đất Nghệ nhưng rồi sự giữ gìn, sự tiếp nối, sự nâng cao không được chú ý đúng mức để sau đó chúng trở thành thương hiệu của những vùng đất khác với sự nâng cấp không nhiều lắm, như việc chiếc "nón Nghệ" ta vừa nói ở trên. Đành rằng, đó cũng là điều bình thường nhưng nếu như ta cố gắng để nó trở thành thương hiệu của xứ Nghệ thì vẫn tốt hơn. Ngày nay, du lịch đến Huế không ai không mua một chiếc nón bài thơ, có người mua đến hàng chục chiếc để làm quà.

Và chiếc nón bài thơ đã vượt không gian nước ta đến với nhiều phương trời xa lạ giới thiệu với bạn bè quốc tế sự mềm mại, nét duyên dáng của Việt Nam. Chuyện này đáng phải xẩy ra ở xứ Nghệ vì nón Nghệ vốn nổi tiếng từ lâu. Nếu được như vậy, thì xứ Nghệ không chỉ có lợi về kinh tế, về xã hội trước mắt mà "nón Nghệ" còn là một sản phẩm văn hóa tồn tại lâu dài với thời gian để cùng xứ Nghệ cạnh tranh và hội nhập thành công trong "thế giới phẳng" này. Trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta?!


Nhà giáo Trần Thúc Tường