(Baonghean) - Những năm gần đây, làn sóng lai căng, sính ngoại trong lĩnh vực thời trang, thẩm mỹ trong giới trẻ có xu hướng gia tăng. Khi ra đường, chúng ta không khó bắt gặp nhiều bạn trẻ để tóc đủ kiểu: tóc cắt ngắn cũn cỡn; tóc cạo trọc hai bên chỉ trừ lại dải tóc trên đỉnh đầu (kiểu như danh thủ Baloteli của đội tuyển bóng đá Italia); tóc tai bù xù như tổ quạ (kiểu như danh thủ Vadelama của đội tuyển bóng đá Côlômbia một thời) “mổ ngang, xẻ dọc” tạo những “đường viền hoa văn” trên đầu; nhuộm tóc vàng, nâu, trắng (kiểu như các thành viên ban nhạc K-pop của Hàn Quốc)... trông rất phản cảm.
Sự đua đòi, lai căng trong lĩnh vực thời trang, thẩm mỹ đó không chỉ phổ biến trong giới trẻ ở các đô thị, mà còn lan đến nhiều vùng quê như một cách để thể hiện sự sành điệu, tân thời trong lối sống của lớp trẻ thời "@". Thậm chí, style (phong cách) bộc lộ sự cực đoan, thái quá như một kiểu chơi ngông trông chẳng giống ai.
Tuần trước, khi tôi từ biên giới có dịp về Thành phố Vinh công tác, tình cờ thấy một nhóm thanh niên tuổi chừng 18 – 20, đầu cạo trọc lốc nhưng lại để râu quai nón tua tủa. "Ấn tượng" hơn nữa là sau gáy họ có xăm các sọc kẻ và đánh số dưới những sọc kẻ đó như những mã vạch trên các sản phẩm hàng hóa bày bán trên thị trường! Với những thanh niên này, lối sống lai căng, đua đòi được họ xem như một thứ "mốt" để thể hiện sự “sành điệu” của mình, nên họ coi đó là chuyện bình thường. Khi tôi chú ý đến “hiện tượng lạ” ấy thì những thanh niên này văng tục rất khiếm nhã, đại loại như "Ông nhìn đểu tôi đấy à?".
Thiết nghĩ, trong xu thế hội nhập và giao lưu văn hóa sâu rộng như hiện nay, cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội về văn hóa cũng trở nên thông thoáng, cởi mở hơn. Điều đó, một mặt, tạo cơ hội tốt để giới trẻ tự khẳng định mình về mọi mặt, nhất là những thanh niên sống có lý tưởng, giàu khát vọng và hoài bão vươn lên. Song mặt khác, các bạn trẻ cũng cần định hình cho mình thái độ ứng xử với văn hóa ngoại lai một cách đúng đắn, biết “gạn đục, khơi trong” để không biến mình thành “trò hề” - muốn làm đẹp và thể hiện sự sành điệu, khẳng định cá tính của mình nhưng thực ra lại tạo sự kệch cỡm phản cảm, khiến những người xung quanh coi thường, chê trách. Ngoài ra, điều quan trọng nữa là sự giáo dục, rèn luyện từ phía gia đình là quan trọng để chấn chỉnh thứ văn hóa lai căng nêu trên.
Bùi Hồng Mạnh