(Baonghean) - Từ trước đến nay, trong nếp nghĩ của người Việt ta, đánh bạc là hành vi, việc làm xấu xa, không những không được khuyến khích mà cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.
 
Nếp nghĩ đó tác động mạnh mẽ vào cả suy nghĩ của những nhà lãnh đạo, quản lý các bộ, ngành, địa phương và những chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan vấn đề này. Vì thế, khi các sòng bạc hay còn gọi là casino được phép hoạt động trên đất nước ta phục vụ nhu cầu của khách du lịch thì Nhà nước vẫn cấm công dân Việt Nam vào đánh bạc trong các casino. Thế nên, khi Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh casino, trong đó có đề xuất cho người Việt được vào chơi thay vì chỉ cho phép người nước ngoài và Việt kiều như quy định trước đây. Ngay lập tức dư luận xã hội nổi sóng với hai luồng ý kiến rất rõ ràng là  ủng hộ và bài bác. Bên nào cũng có những lý lẽ với sức nặng tương đương nhau. Điều này khiến không ít người băn khoăn lựa chọn là nên hay không nên cho phép người Việt vào đánh bạc tại các sòng bạc trong nước?
 
images1030776_3.jpgNgày 14/8, Công an huyện Nam Đàn đã bắt quả tang một ổ nhóm đánh bạc lớn dưới hình thức chọi gà. Trong ảnh: Đối tượng Hoàng Đình Nhuần (SN 1979) trú tại xóm Đông Sơn, xã Hưng Tiến, Nam Đàn - vừa là chủ gà tham gia đánh bạc khai nhận các hành vi đánh bạc. Ảnh: NL
 
Phía ủng hộ thì lập luận là, không cho thì người ta vẫn đánh bạc, dưới đủ mọi hình thức và thậm chí là ra cả nước ngoài. Tiền vẫn đội nón ra đi mà cơ quan thuế của nước nhà chẳng thu lợi được đồng nào. Vì thế, nên cho phép dân ta tham gia đánh bạc trong các casino ở trong nước để vừa thu được thuế, phí  vừa quản lý, kiểm soát được người chơi. Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới, kể cả nước giàu, nước khá, trung bình hay nước nghèo, tuy không khuyến khích việc đánh bạc, nhưng cũng không ngăn cấm mà coi đây như là một loại hình dịch vụ giải trí phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân. Nên họ cho hoạt động công khai để vừa dễ bề quản lý vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Mặt khác, nếu cho phép thì sẽ giảm thiểu được không ít hoạt động của bộ máy công quyền. Cụ thể là lực lượng công an không phải tốn nhiều công sức, tiền bạc và cả thời gian điều tra, truy bắt, dẹp bỏ các ổ cờ bạc như từ trước đến nay vẫn làm. Đi cùng với đó, là có thể cấm ngặt và phạt thật nặng các hình thức cờ bạc diễn ra ngoài casino. Từ trước tới nay, người ta vẫn phải lén lút, dấm dúi vì không có chỗ chơi thì nay đã có chỗ rồi không được phép đánh bạc ngoài luồng nữa. Có khi, nạn cờ bạc nhờ thế giảm được nhiều. 
 
Phía phản đối thì cho rằng, đánh bạc là tệ nạn xã hội. Nếu cho phép thì sẽ khiến nhiều người lầm tưởng, ngộ nhận là được Nhà nước khuyến khích mà lao vào các trò đỏ đen. Như thế, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, làm xáo trộn an ninh trật tự lẫn văn hóa. Có thể việc cho người trong nước vào chơi trong các sòng bạc sẽ tạo cơ hội kinh doanh, kiếm tiền cho một nhóm người nào đó, nhưng sẽ gây nguy hại cho xã hội rất lớn.  Liệu số tiền thu thuế, phí từ lượng người chơi đó có đủ bù đắp, trang trải cho việc khắc phục những hậu quả xã hội do việc cờ bạc mang lại… Phải công nhận là bên nào nói cũng phải, cũng có lý cả. Tuy nhiên, phải thấy có một thực tế là  bất chấp cái nhìn khinh thị, dè bỉu của người đời và bất chấp cả những hình phạt từ phía cơ quan chức năng khi phát hiện ra các hành vi đánh bạc, nhưng cờ bạc vẫn luôn tồn tại và phát triển mạnh mẽ theo đà phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chưa bao giờ và chưa một ai, một chế độ nào loại bỏ được thói quen đánh bạc trong dân chúng. Không được đánh bạc công khai thì người ta đánh bạc một cách lén lút, núp dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời xưa thì đánh cờ ăn tiền, chọi gà ăn tiền rồi tổ tôm, xóc đĩa... Thời nay, bên cạnh những trò cờ bạc truyền thống thì có thêm trò  đánh đề, cá độ bóng đá trực tiếp hay qua mạng... Thậm chí, những người có điều kiện còn ra cả nước ngoài để đánh bạc thỏa chí đỏ đen. Nói vậy để thấy, cho phép hay không cho phép thì người ta vẫn cứ đánh bạc. Không công khai thì dấm dúi. Vì thế, cho phép vào đánh bạc ở những địa điểm nhất định là các sòng bài thì cũng giống như việc gom tệ nạn xã hội vào một chỗ để dễ bề quản lý. Đó cũng là một lợi thế so sánh để đi đến quyết định nên cho phép hay không. Còn nếu sợ cho phép sẽ gây ra những hệ lụy nặng nề cho xã hội từ trò đỏ đen thì bao nhiêu năm qua chúng ta cấm ngặt cờ bạc nhưng rút cục vẫn đâu có tránh được những sự việc đau lòng do cờ bạc đem lại. Vào những dịp lễ lạt, tết nhất hay các kỳ World Cup, báo chí lại vẫn dóng dả lên tiếng báo động đó thôi. 
 
Tóm lại, có thể thấy sở dĩ có hai luồng ý kiến như trên là do hai quan điểm, hai cách nhìn nhận khác nhau. Một bên là nhìn nhận việc đánh bạc dưới góc độ kinh tế. Một bên là nhìn nhận dưới góc độ như là một tệ nạn xã hội. Vậy tại sao không gộp hai quan điểm đó vào làm một để biến một thứ được coi là tệ nạn xã hội thành một dịch vụ làm kinh tế và thu hút khách du lịch. Bằng cách đưa ra những điều kiện cụ thể về độ tuổi, về thu nhập tài chính phải đáp ứng được ở một mức độ nhất định. Đi kèm là một khoản phí vào cửa thật cao để vừa tăng nguồn thu vừa làm nản lòng những ai đam mê cờ bạc mà bất chấp gia cảnh. Đồng thời phải có phương án quản lý hiệu quả để  phòng chống được các vấn đề phát sinh liên hệ đến tội phạm. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính thì mặc dù vẫn còn là dự thảo nhưng việc Bộ Tài chính đề xuất cho người Việt vào chơi casino đã thực sự tháo chốt hãm cho dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhạy cảm này. Người ta vẫn thường coi “cờ bạc là bác thằng bần”. Cho nên, trong vấn đề này, rất cần có một cách nhìn mới hoàn toàn không định kiến về “bác thằng bần” để đưa ra được những quyết định đúng đắn và có bước đi, cách làm phù hợp. Để vừa tăng nguồn thu ngân sách, tạo thêm sức hút cho lĩnh vực đầu tư, du lịch và không để trở thành một thứ tệ nạn xã hội.
 
Duy Hương