(Baonghean) - Một trong những nhà soạn nhạc và nhạc sỹ vĩ đại nhất thế giới, Ludwig Van Beethoven đã từng nói rằng âm nhạc là sự soi rạng cao hơn bất kỳ sự thông thái và triết học nào. Âm nhạc và lời ca có thể đi thẳng vào trái tim và tâm hồn của mỗi chúng ta. Dân ca ví, giặm thể hiện bản sắc văn hóa, phản ánh cuộc sống lao động và tinh thần của nhân dân các tỉnh ven biển miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh được vinh danh là di sản văn hóa thứ 9 của Việt Nam trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện UNESCO ở Việt Nam
Thay mặt cho UNESCO, tôi xin chúc mừng lãnh đạo Trung ương và địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và đặc biệt là nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, những người đã góp phần to lớn vào việc vinh danh này.
Dân ca ví, giặm là tài sản tinh thần của các cộng đồng địa phương; nó là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của họ, bởi lẽ họ cất cao tiếng hát trong cuộc sống sinh hoạt như cấy lúa, chèo thuyền, làm nón hay ngay cả khi ru con.
Dân ca ví, giặm là một ví dụ hoàn hảo về việc di sản phi vật thể luôn ngân vang và sống động trong lòng người dân.
Nó rất đặc biệt, bởi lẽ, làn điệu, âm hưởng và lời ca của nó đã được các nghệ nhân truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Phương thức truyền miệng này đã giúp đảm bảo rằng những bài ca được hát với lối hát chân thực, đặc sắc và với ngữ điệu, tâm hồn của người xứ Nghệ Tĩnh.
Tất cả chúng ta đều biết Dân ca ví, giặm đã truyền cảm hứng như thế nào khi nó giúp giảm bớt sự cực nhọc trong lao động, làm vơi đi nỗi buồn trong cuộc sống, và cho ta một cách thức thể hiện tình cảm nam - nữ, đặc biệt là về tình yêu đôi lứa giữa những chàng trai, cô gái.
Các bài ca tôn vinh những giá trị và phẩm chất quý của con người Việt Nam như lòng hiếu thảo, sự trung thành, sự chu đáo và đức hy sinh, tận tụy, tính thật thà, trung thực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần bảo vệ các phong tục và truyền thống của làng quê.
Tôi rất vui mừng khi biết rằng loại hình diễn xướng dân gian này quy tụ 260 làng thôn ở 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, 51 câu lạc bộ Dân ca ví, giặm và hơn 800 nghệ nhân đang tích cực bảo tồn nghệ thuật âm nhạc dân gian này.
Tôi xin hoan nghênh chính quyền xây dựng các kế hoạch quảng bá và bảo tồn loại hình nghệ thuật này, tôn vinh và hỗ trợ các nghệ nhân địa phương, khuyến khích giáo dục thế hệ trẻ trong nhà trường và qua các phương tiện thông tin đại chúng về việc cần bảo tồn Dân ca ví, giặm.
Hãy cùng tôi quảng bá cho kho báu văn hóa này, bởi lẽ nó đã chạm vào tâm hồn và trái tim mỗi chúng ta, bởi lẽ nó đã tăng cường đối thoại giữa chúng ta, giữa các cộng đồng và các dân tộc ở Việt Nam, và bởi lẽ nó thúc đẩy sự đồng cảm và lòng khoan dung.
UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật tuyệt vời này.
Bác Hồ - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa được UNESCO công nhận, trước khi đi xa đã từng ước mong được lắng nghe câu hò xứ Nghệ. Tôi xin trân trọng kính mời tất cả quý vị và các bạn cất cao tiếng hát để thỏa lòng mong ước của Bác và hãy để cho ca từ của câu hò xứ Nghệ tràn ngập trái tim chúng ta, mang đến cho chúng ta sự an bình, hạnh phúc và sức mạnh để xây dựng một Việt Nam bền vững, thịnh vượng và hùng mạnh hơn.
----------------------------
(*) Trích phát biểu của bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện UNESCO ở Việt Nam tại buổi lễ, đầu đề do Báo Nghệ An đặt.