(Baonghean) - Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND huyện  Hưng Nguyên đã ban hành đề án xử lý và thu gom rác thải trên địa bàn toàn huyện. Qua 4 năm thực hiện, hiệu quả được đánh giá đạt 80% các tiêu chí trong đề án.

Về xã Hưng Long trong những ngày này, bà con đang nô nức xuống đồng gieo cấy vụ xuân, không khí phấn khởi hứa hẹn một vụ lúa bội thu. Thế nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng hơn cả là từng con ngõ, đường làng phong quang, sạch sẽ. Được biết, hình ảnh đẹp này đã được người dân Hưng Long duy trì từ 4 năm nay và nó đã trở thành nét văn hóa trong mỗi thôn, xóm. Trên dọc đường dẫn vào xóm 10, chúng tôi bắt gặp một bác nông dân cầm theo chổi khi vận chuyển vật tư ra đồng sản xuất. Hỏi chuyện, bác cho biết là đề phòng vật tư vương vãi ra đường để thu gom. Trẻ em vui đùa đầu thôn, cuối ngõ dù được ăn quà vặt nhưng không xả rác bừa bãi. Ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Kể từ khi đề án thu gom rác thải ra đời và đã thông qua hội đồng nhân dân cấp xã thì tất cả 10 xóm trên địa bàn đều thi đua giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, và mỗi xóm đều có một bộ quy chế riêng trong giữ gìn vệ sinh môi trường”. 
images1125593_du_ng_l_ng_x_m_10_hung_long_phong_quang_s_ch_s_.jpgĐường vào xóm 10, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) phong quang, sạch sẽ.
 
Sau khi đề án thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn Hưng Long giai đoạn 2011 - 2015 được thông qua, các cấp, ngành và ban cán sự khối xóm đã triển khai nghị quyết; Các cơ sở xóm đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án riêng với mục tiêu đặt ra từ 7 đến 10 ngày thu gom rác một lần và vận chuyển về bãi rác tập trung để xử lý. Mỗi tổ chức hội như Hội CCB, Hội phụ nữ đều phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện và đôn đốc người thân, hàng xóm thực hiện. Nếu phát hiện có công dân nào xả rác bừa bãi, không thực hiện việc tập kết rác thải đúng giờ quy định thì xóm sẽ có trách nhiệm nhắc nhở, và sẽ có chế tài xử phạt nếu tái phạm. Ông Nguyễn Văn Thế - Xóm trưởng xóm 10 cho biết: “Cứ đến ngày 7, 17 và 27 hàng tháng là mỗi hộ dân đều đưa rác thải của nhà mình ra đầu ngõ và xóm hợp đồng với một người ở trong xóm vận chuyển bằng xe bò lốp ra điểm tập kết, đến sáng hôm sau công ty môi trường thu dọn sạch sẽ, tuyệt đối không có tình trạng rác ứ đọng…”.
 
Không chỉ ở Hưng Long, ở Hưng Xá, việc thu gom rác được mỗi thôn xóm hợp đồng với các tổ chức hội, từ đó hội phân công hội viên vận chuyển tất cả những rác thải của xóm đến điểm tập kết được chọn không nằm đầu hướng gió. Từ khi đề án thu gom rác thải được ban hành, mỗi xóm trên địa bàn Hưng Xá đều tìm ra những cách làm riêng để nêu cao tinh thần tự giác, ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường của mỗi người dân. Khắp làng trên, xóm dưới của Hưng Xá đã phong quang sạch sẽ, không còn thấy tình trạng từng bao nilon rác để ngoài đường.
 
Còn đối với Hưng Thông, đề án xử lý và thu gom rác thải được xã ban hành và thực hiện từ năm 2012. Đây là một trong những xã hiện thực hóa đề án đầu tiên trên địa bàn huyện. Cùng với việc thực hiện các điều khoản được ban hành trong đề án, xã đã thành lập một tổ tự quản bao quát chung tình hình thực hiện ở tất cả các xóm, và ở tại 13 điểm tập kết rác thải, đồng thời quản lý tại các điểm giáp ranh thuộc địa bàn xóm 8 để kiểm soát việc đổ rác không đúng nơi quy định của những xóm khác. 
 
Trước năm 2011, việc xử lý rác thải tại bãi rác tập trung ở Hưng Nguyên còn nhiều bất cập. Ý thức gìn giữ môi trường của một số người dân chưa cao, còn có tình trạng “cha chung không ai khóc”. Trước tình hình đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án thu gom rác thải vận chuyển tập trung để xử lý tại bãi rác của tỉnh và ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị Vinh vận chuyển, xử lý. Hoạt động này được thực hiện thí điểm ở 4 xã gồm Hưng Xá, Hưng Long, Hưng Mỹ, Hưng Đạo. Đến năm 2012, huyện triển khai đồng loạt trên địa bàn tất cả các xã. Theo lộ trình, đến hết năm 2015, huyện Hưng Nguyên sẽ xây dựng 23 tổ tự quản thu gom rác thải tại 23 xã, thị trấn. Điều này sẽ giúp giải quyết tốt cho công tác vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì đến nay vẫn còn xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc chưa ban hành đề án tới các thôn xóm, mà tự xử lý theo phương thức “mạnh ai nấy làm”.
 
 Điều băn khoăn hiện nay trong vấn đề thu gom rác thải ở nông thôn nói chung là kinh phí duy trì cho “bộ máy” thu gom nhiều hơn phí vệ sinh thu được ở trong nhân dân, bởi vậy, ý thức của mỗi người dân trong vấn đề giữ gìn vệ sinh chung càng trở nên quan trọng. Vì thế, cách làm ở các xã của huyện Hưng Nguyên là mô hình mà nhiều địa phương có thể tham khảo để xây dựng thôn, xóm ngày càng khang trang, sạch, đẹp. 
 
Bài, ảnh: Nga Thanh