(Baonghean) - ...Tiết trời lập xuân có lúc mưa rơi nhẹ, lại hóa hợp cảnh, hợp tình trước giờ bước vào đêm vinh danh di sản Dân ca xứ Nghệ. Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) - địa điểm diễn ra sự kiện trọng đại được trang hoàng trang trọng đón các vị khách quý và đông đảo nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về đây để có những giờ phút xúc động, tự hào, để đắm mình trong một không gian thấm đẫm “miền ví, giặm”...

image_1988355.jpgLãnh đạo tỉnh Nghệ An trao bằng vinh danh của UNESCO cho các nghệ nhân - những chủ nhân của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
 
Xúc động, tự hào “Về miền ví, giặm”
 
Về với Lễ Vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đêm nay ở Thành Vinh, là về với “miền ví, giặm” trọn vẹn ý nghĩa. Thì kia, với nhiều người dân xứ Nghệ, đêm vinh danh thực là đêm hội chan chứa niềm vui khôn cùng. Bà Nguyễn Thị Hải (52 tuổi), xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh tâm tình: Vinh dự lắm khi câu hát quê hương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi muốn trực tiếp tận hưởng niềm vui này nên từ 16 giờ chiều đã mặc áo mưa, nhờ con chở sang dự. Trước đêm vinh danh có mưa là mưa vui mừng đấy!”... Ông Nguyễn Cảnh Bình (80 tuổi) ở phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò cũng có mặt từ rất sớm; ông chia sẻ: “Ngày xưa khi mùa màng đã khép vụ, sắp bước vào hội Xuân như lúc này thì cũng là thời điểm hát phường, hát hội”. Thế nên, đến với đêm hội vui này, ông Bình đã chuẩn bị một bài ví tự ứng tác, để gặp ai cũng kéo lại hát to lên với tâm thế hết sức tự hào: “Nghệ Tĩnh bày tui vô cùng vinh dự/ Có của hồi môn tích trữ từ ông cha/ Là câu ví, giặm dân ca...’”.
Tiết mục diễn xướng ví phường cấy của CLB Dân ca xã Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An).
 
Và, không phụ lòng người mong đợi, bước vào đêm lễ trời chợt tạnh mưa, ráo rẻ. Quảng trường Hồ Chí Minh với khán đài - sân khấu lớn lung linh rực rỡ, trang trọng đón các vị khách quý là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hòa bước chân, hòa cảm xúc, chia sẻ niềm vui cùng cán bộ, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về đây quây quần đêm hội quê hương bên Tượng đài Bác Hồ kính yêu! Đúng 20 giờ 10 phút, thời khắc khai điểm đêm Lễ Vinh danh, Chương trình nghệ thuật “Về miền ví, giặm” mở màn trên những không gian diễn xướng mô phỏng khoáng đạt, phô diễn đầy hứng khởi những tinh hoa của loại hình nghệ thuật đặc sắc với nhiều bài hát, điệu múa giàu cung bậc cảm xúc. Phần mở đầu có tên Ngày hội của những niềm vui trên làn điệu ví, giặm Đức Sơn đã giới thiệu đến khán thính giả về miền quê xứ Nghệ - nơi cây cỏ cũng cỗi cằn khắc khổ, tựa vai vào vách núi đỡ thiên tai, mặt gió nóng, lưng đã là bão lụt, cơm độn khoai đắp đổi tháng năm dài. Trên chính vùng đất đó, ví, giặm đã ra đời, là tiếng lòng nuôi dưỡng nên cốt cách, tâm hồn những người con đất Hồng Lam. Chương trình nghệ thuật diễn ra trong gần 1 giờ đồng hồ với nhiều trường đoạn khác nhau, nhấn mạnh ý nghĩa chào mừng một sự kiện nhân loại vinh danh...
Tiết mục “Phụ tử tình thâm” do NSND Hồng Lựu và học sinh biểu diễn.
 
Quá khứ - hiện tại, hiện thực - truyền thuyết huyền ảo đan xen, chương trình dẫn dắt mọi người về thăm Làng Sen quê Bác, để được gặp lại Người, được nghe lời Bác kính yêu dặn dò: “Đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc dân ca”. Trường đoạn này nhắc nhớ về sự tri ân, lòng mong mỏi của Người trước lúc đi xa. Khẳng định quyết tâm thực hiện lời hứa của thế hệ trẻ hôm nay trước lời Bác dặn. Hình tượng Bác Hồ với sự thể hiện của NSƯT Hồng Dương đã tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ đến với quan khách, khán thính giả tham dự. Nhiều người nước mắt rưng rưng...
 
Rồi người xem tiếp tục được dẫn dắt về những vùng đất, những danh nhân, tiếp cận với Phường vải Trường Lưu xưa, nơi những bậc tài danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu đã từng băng qua Cửa Trẹm để đến đó trong những lúc “Nguyệt dạ canh trường”. Các cô gái Trường Lưu thanh lịch xưa chính là hình tượng đã giúp Đại thi hào Nguyễn Du viết nên Truyện Kiều bất hủ... Rời Trường Lưu, các nhân vật trữ tình dẫn chuyện đã đưa mọi người ngược sông Lam về với vùng đất chợ Dùng, chợ Rạng với ví, giặm phường cấy. Giữa vất vả canh nông người xứ Nghệ vẫn nuôi chí thoát nghèo bằng nghị lực học tập không ngừng. Hình ảnh con cá gỗ được tái hiện trên màn hình lớn nhắc nhớ mọi người con đất Nghệ về truyền thống khoa bảng, học hành của quê hương. Và “Dẫu ngày xưa có thể khác bây giờ / Nhưng chất Nghệ anh tin là vẫn chảy/ Trong huyết quản mỗi nguời quê ta đấy/ Sống nơi nào cũng muối mặn gừng cay”. Lời thơ, lời ví vang lên chạm vào tâm khảm bao người con quê hương... 
 
Trường đoạn cuối, chương trình nghệ thuật giới thiệu nội dung, ý nghĩa các tác phẩm mang tính kinh điển ví, giặm với sự trình diễn của NSƯT Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu cùng các em học sinh, khẳng định niềm tin, gieo niềm kỳ vọng về tính kế thừa phát triển và sức lan tỏa của Dân ca ví, giặm... Chương trình nghệ thuật với sự thể hiện của 560 nghệ nhân, nghệ sỹ, sinh viên, học sinh đã đưa mọi người “Về miền ví, giặm” giàu âm sắc, âm điệu, tính nhạc, tính thơ, sự gửi trao. Xúc động, chăm chú theo dõi từng động tác, từng lời ca, nghệ nhân Cao Xuân Thưởng, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu tán thưởng: “Chương trình đậm đà chất Nghệ. Sân khấu bố trí hài hòa, không gian diễn xướng như cảnh đồng ruộng, cảnh dòng sông, cảnh biển, cảnh núi rừng, cảnh hát phường vải được tái hiện đầy đủ. Âm nhạc, lời thoại tạo cảm xúc cho người xem về những khát vọng bay cao...”.
 
Yêu ngàn lần muối mặn, gừng cay
 
Trong đêm vinh danh, đông đảo người dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã được nghe những lời phát biểu hết sức tâm huyết của bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Anh Trần Văn Hồng, xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa, có mặt tại đêm vinh danh tâm đắc: Đúng như lời tái khẳng định của vị trưởng đại diện này, Dân ca ví, giặm cao hơn bất cứ sự thông thái nào, nó đi thẳng vào tâm hồn, trái tim mỗi chúng ta. Chắc chắn ví, giặm luôn ngân vang, sống mãi trong mỗi người dân Nghệ Tĩnh... Lời kêu gọi của bà Katherine Muller Marin: “Hãy cùng tôi quảng bá cho kho báu vô giá này”; lời mong muốn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ Dân ca ví, giặm để nguồn mạch mãi ấm nồng hơi thở cội nguồn, tâm hồn Việt, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, để nền văn hiến Việt Nam trường lưu muôn thủa... Đó cũng chính là những tiếng lòng của tất cả mọi người có mặt, theo dõi đêm vinh danh.
 
Lắng nghe Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh công bố, bà Võ Thị Vân, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương chia sẻ sự tán đồng: Tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Thanh Chương, từ nhỏ anh, chị em tôi đã được mẹ cha truyền dạy Dân ca ví, giặm. Vậy nên tất cả chúng tôi đã ngấm sâu câu hát vào máu thịt. Không chỉ gia đình tôi mà tất cả mọi người ở quê chúng tôi đều biết hát ví. Chúng tôi hát mọi nơi, mọi lúc, hát trong lao động, trong cuộc vui. Kể từ khi câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở địa phương được thành lập, chúng tôi đều tích cực tham gia, nỗ lực tập luyện để gìn giữ, bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này. Hôm nay, Dân ca ví, giặm được vinh danh, việc bảo vệ, phát huy Dân ca ví, giặm đã trở thành chương trình hành động quốc gia thì không có gì tự hào, sung sướng hơn... Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bao gồm nhiều hoạt động, đề cao việc tất cả các cấp, ngành, toàn dân tham gia vào việc đưa câu hát vươn xa; ví, giặm nặng nghĩa, trọng tình là đạo đức người xứ Nghệ, nên ai cũng phải có trách nhiệm bảo tồn, phát huy. Nhạc sỹ Đặng Thanh Lưu, người có công sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy, thể hiện dân ca qua nhiều thập kỷ bày tỏ sự tin tưởng: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như thời gian qua, chắc chắn ví, giặm sẽ lan tỏa sâu rộng, thăng hoa, vươn lên tầm cao mới, xứng đáng giá trị toàn cầu, nhân loại.
 
Niềm tin của người nhạc sỹ này cũng chính là niềm tin của tất cả người dân xứ Nghệ. Niềm tin này thêm được củng cố, bởi trong đêm vinh danh này, ông giáo, nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn năm nay đã 80 tuổi vẫn “không mỏi” tình yêu dân ca, phấn khởi nêu cao quyết tâm trao truyền dân ca, đẩy mạnh phong trào hát Dân ca ví, giặm; và kia, hơn 50 học sinh ở trên sân khấu và hàng trăm học sinh, cháu bé khác dưới sân khấu rơm rớm nước mắt hát bài “Phụ tử tình thâm”, nghĩa mẹ tình cha, truyền thống quê hương đã gửi vào câu hát trường tồn... 
 
Đêm vinh danh khép lại trong dư âm niềm vui sướng, tự hào như sẽ còn mãi. Hình ảnh nghệ thuật cuối cùng trên sân khấu lớn là con thuyền trên sóng, mọi người cùng chung tay chèo nhịp làn điệu hò khoan đã khơi gợi rất nhiều ý nghĩa, sự hồi tưởng, sự hướng tới. Hôm nay, Dân ca ví, giặm đã sánh ngang với Đờn ca tài tử, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế, hát Xoan, Quan họ Bắc Ninh; Non nước Lam Hồng đã là trung tâm kết nối của con đường di sản quốc gia. Từ Dân ca ví, giặm, từ sự thủy chung “gừng cay muối mặn”, chắc chắn đất quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh lại gọi thêm nhiều nữa bạn về thăm, người Hồng Lam lại thêm tự hào để chung sức, đồng lòng đưa điệu Dân ca ví, giặm bay xa...
 
Thanh sơn