(Baonghean) - Trên đất nước ta, nạn ùn tắc giao thông chủ yếu cũng chỉ xẩy ra vào giờ cao điểm ở hai thành phố lớn là TP. Hà nội và TP Hồ Chí Minh. Nạn ùn tắc đó được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm và liên tục tìm mọi phương cách để giải quyết như xây cầu vượt, phân luồng đường, cảnh sát giao thông trực tiếp hướng dẫn, giải tỏa các điểm nút ách tắc, các chính sách thuế khóa nhằm hạn chế việc mua sắm các phương tiện giao thông đường bộ… Sự tắc ách giao thông tất nhiên là việc đáng được lo lắng, quan tâm. Nhưng, theo ý kiến nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp trong nội bộ nhân dân thì nạn ứ đọng, ùn tắc, thiếu việc làm dẫn đến thất nghiệp đồng loạt của các lao động thế hệ trẻ hiện đang là nỗi lo rất lớn trong lòng mỗi người dân...
Theo báo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013, tỉnh này có 24.956 HS-SV đã tốt nghiệp chưa có việc làm. Trong đó, số người có trình độ trên đại học là 45, tốt nghiệp ĐH là 5.674 SV, tốt nghiệp CĐ 6.845 SV, trung cấp chuyên nghiệp 6.003 SV. Số còn lại SV tốt nghiệp CĐ nghề và trung cấp nghề. Nếu tính theo ngành nghề thì tỉ lệ thất nghiệp cao nhất lần lượt là Sư phạm (3.762 SV), Công nghệ thông tin (3.650 SV), Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Nông - Lâm - Ngư nghiệp? Như đã thống kê, người có trình độ học vấn cao trên ĐH vẫn thất nghiệp! Cũng như vậy, ở Đồng Nai, ở TP Hồ Chí Minh, ở Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác, chỉ số SV tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC nghề…không có hoặc chưa có việc làm cũng đạt mức cao tương tự. Theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động các tỉnh, thành phố thì trung bình hàng năm số SV tốt nghiệp ĐH và trên ĐH không quá 50% tìm được việc làm, thậm chí có tỉnh chỉ có 20% SV tốt nghiệp ĐH tìm được việc làm. Nghệ An nằm chung trong tỷ lệ đó. Các số liệu cũng chứng tỏ tỷ lệ thất nghiệp của lao động phổ thông thấp hơn tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm được việc làm.
Nguyên nhân của sự việc thì có nhiều. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở nước ta, thời gian qua, bên cạnh nạn tham ô, tham nhũng nặng nề, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô có nhiều mâu thuẫn, lúng túng, dẫn đến sự đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiếp vừa và nhỏ làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Nói tóm lại, kinh tế không phát triển, phạm vi sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, việc thi cử tuyển chọn CNVC còn bất cập, đang chứa nhiều yếu tố thiếu minh bạch còn phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tớí…
Trong lúc đó, hàng năm, các cơ sở đào tạo nhân lực (ĐH, CĐ, DN…) vẫn tiếp tục tuyển sinh và cho ra trường hàng vạn sinh viên tốt nghiệp bổ sung vào khối lượng lao động thất nghiệp đang ùn tắc từ các năm trước làm cho tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm càng ngày càng trầm trọng thêm. Ví dụ, tỉnh Thanh Hóa, có khối lượng người lao động thất nghiệp cao nhất nước, mỗi năm tỉnh này vẫn có tới 20.000 thí sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ, TCCN…Tình trạng ở các tỉnh thành khác cũng tương tự. Các bậc phụ huynh, các hội khuyến học ở các làng quê, tỉnh , thành phố và cả nước vẫn tiếp tục khuyến khích và động viên con em học tập, thi cử vào các trường ĐH, CĐ, THCN. Trong lúc đó, những thông tin đáng khả nghi từ các cơ sở đào tạo vẫn tiếp tục tung ra, lan truyền trên mạng, trên các báo chí, chưa được các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước kiểm chứng! Chẳng hạn, ĐH Lạc Hồng, ĐH Y Hải Phòng, ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân…đưa ra các con số cho rằng sinh viên các trường do họ đào tạo có đến 90%, thậm chí 100% tìm được việc làm từ năm đầu tiên! Những thông tin "câu khách" tuyển sinh của các trường ĐH rất nên được kiểm chứng về tính trung thực, và cần được xử phạt theo Luật Báo chí!
Hiện thực nền kinh tế chúng ta hiện nay là thiếu việc làm, là nạn ùn tắc, nạn thất nghiệp rất đáng được cảnh báo để mọi người, mọi ngành, mọi cơ quan, tùy theo trách nhiệm của mình tìm cách góp phần giải quyết, tháo gỡ. Đó cũng là mối lo của nhiều người dân, trong những ngày này!
Ùn tắc giao thông, ùn tắc… thất nghiệp!
Thạch Quỳ (TP. Vinh)